Ngày Trái đất, diễn ra vào ngày 22/4 hằng năm, là ngày lễ thường niên được kỷ niệm rộng rãi nhất trên toàn cầu. Trong khi EarthDay.org nhấn mạnh rằng chúng ta nên đầu tư vào hành tinh mỗi ngày trong năm nay, Ngày Trái đất được coi là một ngày để làm nổi bật hành động này. Hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới đánh dấu kỳ nghỉ lễ bằng cách làm việc để thúc đẩy sự thay đổi chính sách khí hậu và thay đổi hành vi hàng ngày của con người để cải thiện thế giới của chúng ta.
Ngày Trái đất đã trở thành một sự kiện toàn cầu vào năm 1990 - với 200 triệu người ở 141 quốc gia cùng nhau tập trung vào các vấn đề môi trường trên toàn thế giới. Việc kỷ niệm ngày lễ này ở mức độ toàn cầu đã lan rộng kể từ đó.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, việc vận động và hành động vì môi trường là rất quan trọng, càng nhấn mạnh sự cần thiết phải "Đầu tư vào Hành tinh của Chúng ta" như chủ đề chính của Ngày Trái đất 2022.
Đầu tháng 4, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã công bố một báo cáo cảnh báo nguy cơ gia tăng mức độ ấm lên toàn cầu. Tổ chức này lưu ý rằng việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể là "bất khả thi", nếu mức giảm phát thải mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực không được thực hiện ngay lập tức.
Trái Đất mất hàng triệu năm để tạo ra các loại nhiên liệu hóa thạch, trong khi tốc độ khai thác và tiêu thụ của con người lại rất nhanh, khiến nguồn nhiên liệu này ngày càng trở nên cạn kiệt bởi đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được.
Nếu cứ duy trì tốc độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay, thì trữ lượng dầu mỏ sẽ chỉ còn đủ dùng cho 53 năm nữa, lượng khí thiên nhiên thì còn khoảng 55 năm và than đá là 113 năm. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác nguồn nhiên liệu này như hiện nay, thì sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá là khoảng 4 năm.
Chính vì vậy, mà Việt Nam và các nước trên thế giới đang hướng tới việc tiết kiệm triệt để nhiên liệu hóa thạch và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng, dầu và sự biến đổi của thị trường thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nội địa.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, thì đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở nước ta sẽ tăng 15 lần và chất thải carbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững, thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí gây thất thoát năng lượng, cũng như có những chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm cần nâng cao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Quốc hội khóa XII đã ban hành văn bản luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và luật này cũng đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là cách phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.