Theo đó, sẽ có khoảng 1.200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc đồng bào dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Khánh Hoà, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước tham gia Ngày hội.
Một số hoạt động điểm nhấn của Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 dự kiến bao gồm chương trình khai mạc, bế mạc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực truyền thống; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; triển lãm Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Các hoạt động nhằm tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, đồng thời đây cũng là cơ hội để Ninh Thuận tăng cường quảng bá di sản văn hóa dân tộc Chăm, vùng đất, con người của tỉnh, tiềm năng du lịch, để Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề xuất Ngày hội sẽ có sự kết hợp với Lễ hội Katê, một trong những lễ hội quan trọng của người Chăm ở Ninh Thuận; đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch của tỉnh với sự tham gia của 11 địa phương tham dự Ngày hội.