Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2023, ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã cơ bản thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách ở hầu hết các lĩnh vực. Một số lĩnh vực như phát triển trang trại, cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay cũng đã trình hoặc đang xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành cũng đã được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu cho Bộ ban hành các Kế hoạch hành động hoặc Văn bản hướng dẫn để các địa phương làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện.
Các lĩnh vực ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng trong công tác tham mưu về chính sách, xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất… Một số nhiệm vụ như kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX); ngành nghề nông thôn; bố trí dân cư nông thôn ngày càng chủ động tham gia nhiều vào các Chương trình, đề án, dự án quan trọng của Bộ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn…
Về lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Trang trại, sau gần 2 năm triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản đạt chuẩn, 5 vùng nguyên liệu ngày càng hình thành rõ nét, cụ thể: Các công trình hạ tầng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bắt đầu chuyển sang công tác thi công xây dựng; các HTX nông nghiệp đã được thành lập mới và củng cố lại..., trong các vùng nguyên liệu đã có 56 chuỗi sản phẩm liên kết và 22 dự án/kế hoạch liên kết; có 26 doanh nghiệp; 60 HTX và 876 hộ nông dân tham gia liên kết.
Thực hiện cấp được 76 mã số vùng trồng cho các cây trồng như lúa gạo, sầu riêng, xoài với diện tích 3.059 ha trong các vùng nguyên liệu; thành lập được 26 Tổ khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của 168 thành viên tại 13 tỉnh (2 tổ/tỉnh). Các tỉnh tham gia đề án đã thành lập thêm 49 tổ khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của 321 thành viên…
Khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển ổn định, tăng cả về số lượng và chất lượng, cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thành viên, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 20.789 HTX nông nghiệp trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đặc biệt có trên 4.339 HTX tham gia đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên.
Về phát triển ngành nghề nông thôn, Ngành đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các địa phương xây dựng Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn khoảng 880.000 cơ sở, bao gồm 13.201 doanh nghiệp, 5.592 HTX, 5.994 tổ hợp tác và trên 783.474 hộ gia đình, tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động. Doanh thu các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 202.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/lao động/năm.
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Ngành đã triển khai các Quyết định của Bộ NN&PTNT về đào tạo nghề nông nghiệp trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã bước đầu hình thành được hệ thống các tài liệu, chương trình, giáo trình đào tạo mới, học liệu điện tử theo yêu cầu của thực tiễn.
Bộ NN&PTNT đã giao cho các Trường, đơn vị đào tạo tổ chức đào tạo nghề cho trên 4.768 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp và 1.295 lao động nông thôn được học nghề sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực phục vụ cho truyền thông, tuyên truyền nâng cao năng lực cho nông dân... Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai thực hiện và đào tạo được gần 200.000 người.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, toàn ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn luôn xác định đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để phát huy vai trò, hiệu quả công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Hoàn thành trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; Nghị định về cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác truyền thông nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền thuộc lĩnh vực của Cục nói riêng và ngành Kinh tế hợp tác nói chung.
Đồng thời, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới…
Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự phát vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự phát đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại vùng dự án bố trí ổn định dân cư. Đồng thời rà soát, hoàn thiện chính sách về di dân, tái định cư và ổn định đời sống, sản xuất sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận về tình hình thực hiện bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả đến năm 2025 của Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai; tham luận về tình hình thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự phát theo Nghị quyết số 22/NQCP của Chính phủ và đề xuất một số giải pháp thực hiện có hiệu quả đến năm 2025 của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông; tham luận về phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang…
Cùng ngày, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thành lập ngày 4/9/2003, theo Quyết định số 96/2003/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với tên gọi ban đầu là Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới và Vụ Chính sách của Bộ. Đến năm 2008, Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn đổi tên thành Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ngày nay và sáp nhập thêm Vụ Kinh tế tập thể thuộc Bộ Thủy sản.
Năm 2014, với yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ NN&PTNT thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trên cơ sở tách ra từ Cục và đến ngày 31/3/2017, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 1119/QĐ-BNN-TCCB tiếp tục sáp nhập 3 phòng chuyên môn và 1 đơn vị sự nghiệp từ Cục Chế biến, Thương mại Nông, Lâm, Thủy sản và Nghề muối.
Đến nay, bộ máy tổ chức của Cục có 7 Phòng chuyên môn và 1 Trung tâm. Nhiệm vụ chính của Cục hiện nay là tham mưu cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhàn nước trên các lĩnh vực chính sau đây: Kinh tế tập thể, HTX và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp; phát triển trang trại và kinh tế hộ gia đình; phát triển Diêm nghiệp; cơ điện nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; định canh, bố trí ổn định dân cư, di dân tái định cư và tham mưu chính sách phát triển sản xuất, sinh kế cho người nghèo, đồng bào vùng khó khăn.
Ngoài ra, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn còn là đầu mối phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình quản lý nhà nước khác thuộc Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác.
Trải qua quá trình 20 năm hình thành và phát triển, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển HTX, làng nghề, di dân và bảo đảm an sinh nông thôn. Nhờ đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và các tập thể, cá nhân thuộc Cục qua các thời kỳ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Có thể kể đến như Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng các thời kỳ và nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành, địa phương...