“Ngân sách Nhà nước (NSNN) không bao giờ cạn kiệt, dù đặc biệt trong năm nay dù đại dịch COVID-19 khó khăn như vậy nhưng thu NSNN vẫn đạt trên 77% dự toán. Chúng tôi dự kiến ước đạt thu NSNN năm nay sẽ đạt trên 100% dự toán thu được Quốc hội giao. Chi ngân sách thì thực hiện theo đúng dự toán được duyệt” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời VTV trước thông tin “ngân sách rất khó khăn” mà một số cơ quan báo chí đăng tải.
Trong thông tin phản hồi ngày hôm qua (17/9), Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng thông tin “ngân sách rất khó khăn” làm độc giả hiểu sai tình hình NSNN.
Riêng về nguồn dự phòng ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết nguồn ngân sách này được Quốc hội bố trí đầu năm là 17.500 tỷ đồng, chi cho công tác phòng chống dịch đã hết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các bộ, ban ngành và các đơn vị thụ hưởng ngân sách sẽ tiết kiệm chi thường xuyên 10% và tiết kiệm chi 50% cho các khoản công tác nước ngoài, chi khác để bổ sung cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
“Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý. Trình với Thường vụ Quốc hội cho bổ sung 14.620 tỷ đồng vào chi dự phòng ngân sách. Qua đó để Chính phủ thực hiện khoản chi cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chống dịch một cách có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Ngày 8/9, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN đạt 78.600 tỷ đồng trong tháng 8. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt hơn 1,004 triệu tỷ đồng - tương đương bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Đáng chú ý tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch (17.200 tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (1.600 tỷ đồng).
Theo Luật Ngân sách, chi dự phòng ngân sách thường chiếm từ 2-4% tổng chi ngân sách và được dùng cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh, mục đích an ninh quốc phòng đột xuất.
2 năm qua, kinh phí phòng COVID-19 chủ yếu được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách này. Năm nay do chi phòng chống COVID-19 tăng đột biến dẫn tới nguồn chi dự phòng ngân sách đã hết và cần được bổ sung từ nhiều nguồn khác. Theo Bộ Tài chính, nguồn chi dự phòng ngân sách sẽ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đẩy đủ để đáp ứng mọi nhu câu của công tác phòng chống dịch. Bộ này cũng đã tham mưu với Chính phủ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên 200.000 tỷ đồng trong năm nay.