Ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, ngân hàng SHB, ngân hàng Phương Đông OCB giảm từ 0,1 - 0,2%/năm trong khi mức giảm tại TPBank, Eximbank mạnh hơn, từ 0,3 - 0,45%/năm.
Lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng phổ biến quanh mức 3 - 3,5%/năm. Các khoản tiền gửi từ 6 - 12 tháng ở những ngân hàng trên cũng giảm nhẹ khoảng 0,1 - 0,2%/năm.
Còn với kỳ hạn dài, đa phần không có nhiều biến động ở các ngân hàng. Cá biệt, ngân hàng Bảo Việt tăng nhẹ 0,1%. Nhìn chung, lãi suất gửi kỳ hạn 1 năm cao nhất hiện khoảng 6,8%/năm, trong khi thấp nhất là 4,85%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng tiến hành giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, Techcombank giảm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn chủ chốt từ 0,25 - 0,5 điểm %. MBBank cũng giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức giảm từ 0,2 - 0,27 điểm %. HDBank cũng giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ 0,1 - 0,3%...
Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 2 ngân hàng Agribank và BIDV cũng điều chỉnh giảm 0,1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng, từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank vẫn tiếp tục duy trì biểu lãi suất đã áp dụng trước đó.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Do đó, lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, thị trường tiền tệ tuần gần đây nhất diễn ra với tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại. Việc này đã khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu.