Tạo nguồn nhân lực chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội
Tại huyện Di Linh, việc thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giúp địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo chia sẻ của ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh: Địa phương đã bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh Lâm Đồng để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với quy định và đặc điểm tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS, cần có các giải pháp phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí, giảm nhanh khoảng cách giàu, nghèo... Đồng thời, có giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dục ở những cơ sở giáo dục có đông học sinh người DTTS để nâng cao chất lượng đầu ra; tổ chức dạy tiếng DTTS ở các trường phổ thông có đông học sinh DTTS..."
Ông Dơ Woang Ya Gương Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tính đến thời điểm 30/5/2024, ngành Giáo dục và đào tạo huyện Di Linh có 1.902 viên chức quản lý, giáo viên. Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Giáo dục và đào tạo được huyện Di Linh thực hiện thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng: đạt chuẩn, vượt chuẩn đào tạo, thường xuyên, chuyên đề, triển khai dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới, triển khai nhiệm vụ năm học… Đối với lĩnh vực y tế, đến tháng 6/2024, huyện Di Linh đạt tỷ lệ 5,5 bác sĩ/vạn dân. Đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế có bước chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Điểm đặc biệt ở huyện Di Linh là đội ngũ cán bộ nữ của địa phương trong những năm gần đây tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng. Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ở các cấp chính quyền, đoàn thể tăng lên đã góp phần nâng cao số lượng, chất lượng, tạo nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Theo thông tin từ UBND huyện Di Linh, những năm qua, địa phương đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Bình quân hằng năm có trên 4.000 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm mới cho trên 3.800 lao động.
Động lực từ Chương trình MTQG 1719
Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao thứ hai trong tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, địa phương xác định thực hiện Chương trình MTQG 1719 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Đặc biệt, với Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm DTTS ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” được địa phương triển khai từ đầu năm 2022, đến nay đã đạt những kết quả quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai khẳng định, việc triển khai thực hiện các dự án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
“Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả các dự án, bên cạnh các giải pháp của huyện nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của địa phương, huyện cũng đã đề xuất với Đoàn giám sát của tỉnh kiến nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí để chủ động trong công tác triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết.
Chia sẻ với báo chí, ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS, cần có các giải pháp phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí, giảm nhanh khoảng cách giàu, nghèo... Đồng thời, có giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dục ở những cơ sở giáo dục có đông học sinh người DTTS để nâng cao chất lượng đầu ra; tổ chức dạy tiếng DTTS ở các trường phổ thông có đông học sinh DTTS. Quan tâm đầu tư giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh người DTTS; có chính sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có đào tạo, huấn luyện lao động người DTTS; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ thực hiện công tác dân tộc các cấp. Có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ người DTTS gốc Tây Nguyên. Có chính sách đào tạo và sử dụng giáo viên tiếng DTTS, nhất là tiếng DTTS gốc Tây Nguyên.
Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lâm Đồng triển khai từ nhiều năm qua. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS đã được nâng cao, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, với “trợ lực” từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Lâm Đồng đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.