Chưa có chính sách,làm gì cũng khóỞ số báo trước, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Hiện cả nước có bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư? Và, có bao nhiêu trẻ em người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn là nạn nhân của chất độc chết người ấy đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo?
Sau 43 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, hiện vẫn chưa có một số liệu chính thức để trả lời chính xác câu hỏi này. Một phần nguyên nhân là do chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin chỉ mới được thực hiện cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ nên các cơ quan chuyên trách, chính quyền các địa phương không thể thực hiện thống kê số nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư.
Trao đổi với ông Hứa Văn Dịch, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi nhận được những chia sẻ rất thật lòng. Ông bảo, trên địa bàn có rất nhiều nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư; là con em của những gia đình đồng bào DTTS đang sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn. Cơ quan chuyên trách của tỉnh cũng muốn tiến hành điều tra, rà soát để có số liệu cụ thể, nhưng “lực bất tòng tâm”.
“Muốn tiến hành điều tra, rà soát nhóm nạn nhân này thì phải có kinh phí để tổ chức thực hiện. Nhưng đó chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là chưa có chủ trương, chính sách hỗ trợ. Nếu chúng tôi tiến hành điều tra, thống kê trên diện rộng, các gia đình có cháu/chắt bị di chứng, thấy các cơ quan quản lý nhà nước điều tra lại nghĩ đã có chế độ, chính sách rồi, lúc đó rất phức tạp”, ông Dịch cho biết.
Chia sẻ rất thật của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã cho thấy, một “điểm nghẽn” căn bản trong việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Vì chưa có chủ trương, chính sách nên cơ quan chuyên trách của các địa phương không thể thực hiện việc nắm số lượng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư.
Có lẽ nhận định này cũng phù hợp với cách lý giải của ngành Y tế trong việc xác định nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư. Theo đó, để xác định thế hệ cháu, chắt có phải bị phơi nhiễm hoặc liên đới tới chất độc da cam hay không là không đơn giản.
Trong khi đó, theo một đại diện của Khoa Di truyền và Sinh học phân tử (Viện Huyết học truyền máu Trung ương), muốn xác định người đó bị nhiễm Dioxin thì cần tiến hành lấy máu và làm xét nghiệm. Mà việc tổ chức lấy máu xét nghiệm, trong điều kiện y học như hiện nay thì không quá khó. Có chăng, vì chưa có chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư nên chưa thể tiến hành.
Tiếp tục đợi chờ?Không phải đến bây giờ, vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư mới được nêu ra mà đã được đề cập từ nhiều năm trước. Trong những cuộc tọa đàm nhìn về quá khứ hào hùng, nhiều nhân chứng đã lên tiếng đòi chế độ cho con, cháu mình là thế hệ thứ ba, thứ tư bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Có cụ già râu tóc bạc phơ, nước mắt lem nhem mờ cả kính, chân run vẫn đứng lên nói về những nỗi khổ của con, cháu mình.
Nhưng đó mới chỉ là những tiếng lòng khẩn thiết của những cá nhân, những người đã qua một thời chiến tranh khốc liệt. Còn trong lĩnh vực xây dựng và thực thi chính sách, nhóm nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba trở đi gần như vẫn còn bỏ lửng.
Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu có một chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và dần hình thành chính sách độc lập. Chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin ngày càng được hoàn thiện, được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng số 04/2012/PL-UBTVQH13,… Nhưng cho đến thời điểm này, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn nằm ngoài diện được thụ hưởng chính sách.
Đã rất nhiều lần, trên các diễn đàn và trên báo chí, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) đã lên tiếng về những vướng mắc khiến việc giải quyết chính sách cho thế hệ thứ ba, thứ tư bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin bị chậm, khất lần từ năm này qua năm khác. Ông Rinh khẳng định, VAVA đã kiến nghị và tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng hữu quan xem xét giải quyết các chế độ chính sách với Người có công đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin.
Năm 2018, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương sẽ tổ chức Tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Tại Hội nghị giao ban công tác Lao động- Người có công và Xã hội khu vực phía Bắc năm 2018 (tổ chức ngày 30/3), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị: “Các địa phương cần tổng kết Pháp lệnh Người có công để sau đó chúng ta đánh giá, trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh theo hướng mở thêm đối tượng nhằm xem xét tất cả các đối tượng, không bỏ sót đối tượng, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội”.
Đây có thể là một tín hiệu mừng đối với những nạn nhân chất độc da cam là thế hệ thứ ba trở lên; trong đó có những nạn nhân là người DTTS đang sinh sống ở địa bàn khó khăn. Nhưng cũng có thể lại thêm một lần lỡ hẹn bởi đến thời điểm này, tham vấn tại nhiều cơ quan chuyên trách, việc thống kê số lượng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn chưa thể thực hiện? Câu trả lời xin nhường ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu trách.
SỸ HÀO