Không chỉ ông bà, cha mẹ mà rất nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư đã, đang và sẽ phải hứng chịu, ảnh hưởng bởi chất độc này.
Không dừng lại ở đời conMột ngày như mọi ngày, em Nông Văn Thượng, sinh năm 2006, dân tộc Tày, ở thôn Đầu Cầu, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) vật vờ trong ngôi nhà cũ nát của ông ngoại. Đã bước qua tuổi 13 nhưng Nông Văn Thượng gần như lạ lẫm với thế giới bên ngoài do mang trong mình căn bệnh đao quái ác, cộng với dị tật câm điếc bẩm sinh-di chứng của chất độc da cam/Dioxin.
Ông ngoại của Thượng-ông Nông Văn Bính, là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, bị suy giảm trên 81% sức khỏe. Nhà có 7 khẩu, lao động chính chỉ có vài người nên gia đình ông thuộc hộ nghèo của thôn. Số tiền hơn 3 triệu đồng/tháng mà ông được trợ cấp chỉ đủ để ông mua thuốc giảm những cơn đau trên cơ thể, một phần dè sẻn phụ giúp con gái nuôi đứa cháu ngoại tật nguyền.
Theo ông Trần Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chiêm Hóa, hoàn cảnh của hộ Nông Văn Bính rất khó khăn; ông là nạn nhân có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao nhất trong các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn huyện. Cháu ngoại của ông cũng bị di chứng rất nặng nề. Theo Pháp lệnh Người có công thì nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư không thuộc diện được trợ cấp nên cuộc sống của gia đình càng khó khăn gấp bội.
“Hiện chưa có chế độ, chính sách cho nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư nên chúng tôi chỉ có thể động viên, khích lệ. Để giúp gia đình ông Bính, Hội đã đề nghị lên tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây cho gia đình ông căn nhà mới; nhưng hiện đang chờ, chưa biết lúc nào thành hiện thực”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng như em Nông Văn Thượng, hàng trăm nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thuộc thế hệ thứ ba (cháu), thứ tư (chắt) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang mang trên mình những di chứng rất nặng nề. Những dạng bệnh mà nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư thường mắc phải như: thiểu năng trí tuệ, bại não, đao, khuyết tật vận động, câm điếc, còi xương, bạch tạng,…
Theo ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tuyên Quang, việc thống kê số lượng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư chỉ mang tính tương đối. Bởi một lẽ, hiện chưa có một cuộc thống kê chính thức, trên diện rộng nào về nhóm nạn nhân này; hơn nữa, việc rối loạn nhiễm sắc thể có thể “nhảy cóc” đến các thế hệ sau.
Ông Sâm dẫn chứng, như trường hợp gia đình ông Lục Văn Thịnh ở thôn Trung Vượng 2, xã Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa). Ông Thịnh là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin; đời con, đời cháu không bị. Nhưng đứa chắt ngoại của ông (đời thứ tư) là Hà Thị Huệ (sinh năm 2007) lại nhiễm di chứng; sinh ra đã bị khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ.
Sự bất cập của chính sáchChia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Sâm đã buộc chúng tôi phải đặt một câu hỏi: Cả nước hiện có bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư? Và, có bao nhiêu trẻ em người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn là nạn nhân của chất độc chết người ấy đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo?
Câu hỏi này không hề mới, nhưng cũng chẳng cũ bởi nó đã được đặt ra từ hàng chục năm nay; vậy mà đến nay vẫn chưa có một đáp án cụ thể. Ngay cả số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) cũng là một con số dự đoán, rằng: chất độc da cam/Dioxin đã khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân là thế hệ thứ hai, thứ ba.
Dù chưa có số liệu chính thức nhưng chắc chắn, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư là rất lớn. Chỉ tính riêng Đăk Lăk, toàn tỉnh này có 5.625 người bị phơi nhiễm thì có 533 nạn nhân là thế hệ thứ hai (con), có 235 nạn nhân là thế hệ thứ ba (cháu).
Còn ở Tuyên Quang, dù chưa thống kê cụ thể nhưng nạn nhân thế hệ thứ ba, thứ tư cũng lên tới hàng trăm người. Chỉ tính riêng huyện Chiêm Hóa đã có 21 nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư. Theo danh sách của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tuyên Quang thì nạn nhân trẻ nhất sinh năm 2013, bị bại não.
Thực tế, cả nước đã ghi nhận di chứng chất độc da cam/Dioxin di truyền sang thế hệ thứ ba, thứ tư, số nạn nhân là cháu, chắt người bị nhiễm trong chiến tranh lên đến hàng triệu người. Đặc biệt là thế hệ thứ ba, thứ tư, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng.
Nhưng chế độ bảo trợ xã hội cũng rất hạn hẹp nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách chi an sinh xã hội. Vì thế, nguồn lực chính để hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ ba, thứ tư là huy động xã hội hóa. Điều này có thể thực hiện được ở địa bàn có kinh tế-xã hội thuận lợi, còn ở vùng khó khăn thì dường như ‘bất khả thi”.
Như ở Tuyên Quang, trong 7 Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cấp huyện hiện nay thì chỉ có duy nhất Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP. Tuyên Quang thực hiện tương đối đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội cho nạn nhân đời thứ ba, thứ tư; với mức bảo trợ từ 405-920 nghìn đồng/nạn nhân/tháng. Còn ở các huyện nghèo, có đông đồng bào DTTS như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình,… nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư chưa được hưởng bất cứ chế độ gì.
Từ năm 2000 đến nay, chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đã được thực hiện, nhưng tập trung vào người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Việc phát sinh mới nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đời thứ ba, thứ tư đã đặt ra yêu cầu thay đổi chính sách. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ bởi đây là vấn đề liên quan đến nhiều cấp, ngành; cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chuyên trách.
SỸ HÀO