Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hùng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ qua (từ 1 giờ ngày 7/10 đến 1 giờ ngày 8/10) từ 250-350 mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn như Bạch Mã 505 mm, A Lưới 628 mm, Tà Lương 507 mm. Vùng ven biển Thừa Thiên - Huế có gió mạnh, triều cường gây khó khăn cho thoát lũ.
Lãnh đạo huyện miền núi A Lưới cho biết, mưa lớn liên tục những ngày qua đã làm sạt lở đất gây tắc nghẽn giao thông trên Quốc lộ 49 từ thành phố Huế đi lên huyện tại km 76 vào tối 7/10, với chiều dài điểm sạt khoảng 50m. Hiện tại, lực lượng chức năng đang huy động 3 máy xúc để khắc phục sự cố, dự kiến đến 10 giờ ngày 8/10, giao thông tại đây sẽ được thông tuyến.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, huyện Phong Điền đã tổ chức di dời tại chỗ 75 hộ, 206 khẩu, chủ yếu người già, trẻ em và các hộ ven sông, thấp trũng tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu và khu vực thị trấn huyện. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng gây ngập úng một số điểm trên Quốc lộ 49B đoạn qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền với độ sâu 0,3 – 0,5 m. Tại huyện Nam Đông, đường đi vào Nhà máy thủy điện Thượng Nhật không đi qua lại được do cống ngầm qua đường Ma Gon bị xói lở nước chảy xiết, lực lượng chức năng đã rào chắn không cho người dân qua lại đảm bảo an toàn. Mưa lớn cũng làm ngập úng hàng chục hecta hoa màu... tập trung ở xã Quảng Thọ, Quảng Thành (huyện Quảng Điền). Tại thành phố Huế, xuất hiện ngập úng một số tuyến đường đô thị khu vực khu Đông Nam Thủy An, một số đường ở nội thành.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng hơn 9 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Bên cạnh đó, bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50 m.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch điều tiết nước hồ qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến từ 140-900 m3/giây, bắt đầu từ 11 giờ 30 phút ngày 8/10. Trước đó, hồ thủy điện A Lưới đã điều tiết nước về phía hạ du với lưu lượng tăng dần từ 100-1.000 m3/ giây, từ 11 giờ ngày 7/10; hồ thủy điện Hương Điền điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng tăng dần từ 100-200 m3/giây và phát tối đa qua tuabin 200 m3/giây, từ 16 giờ ngày 7/10. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (đang xây dựng) mở các cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn và thực hiện các nội dung phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định.
Đến 7 giờ ngày 8/10, mực nước trên sông Hương tại Kim Long đang trên báo động 1 là 0,66 m; nước trên sông Bồ trên báo động 1 là 0,59 m; sông Tả Trạch trên báo động I là 0,13 m. Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.