Có cái tên như vậy, bởi tình trạng vệ sinh môi trường của thôn còn rất nhiều hạn chế; rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi không được người dân thu dọn, tràn ngập đường đi lối lại, mùi hôi thối luôn bao trùm khắp thôn.
Tuy nhiên, Làng Pẳn 1 hôm nay đã trở thành thôn kiểu mẫu của xã Quang Kim về vệ sinh môi trường. Dọc các tuyến đường liên thôn trước đây ngập ngụa rác thải, bây giờ là rực rỡ sắc màu các loài hoa được bà con trồng dọc hai bên đường.
Chị Vi Thị Là, người dân thôn Làng Pẳn 1 cho biết: Trước đây, gia đình chị cũng như các hộ dân trong thôn chẳng mấy ai để ý đến việc dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ xã, thôn thường xuyên xuống từng nhà để tuyên truyền vận động người dân thực hiện ăn ở vệ sinh, bảo vệ môi trường. Gia đình mình và bà con trong thôn lúc đầu cũng chỉ thực hiện vì không muốn bị nhắc nhở nhiều, lâu dần đi vào nền nếp.
Từ khi rác thải được thu gom, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, môi trường xung quanh không còn vương vãi chất thải, sức khỏe bà con trong thôn cũng tốt hẳn lên, nhất là các cháu nhỏ và người cao tuổi không còn mắc một số chứng bệnh về đường hô hấp như trước. Bà con trong thôn đều nhận thấy rõ tác dụng của việc bảo vệ môi trường sống xung quanh nên càng tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch xã thì, Quang Kim là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Lào Cai hoàn thành xây dựng NTM (năm 2013). Khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, tiêu chí khó nhất của Quang Kim, là môi trường. Lâu nay bà con nhân dân với tập quán canh tác, sinh hoạt hằng ngày rất ít quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Để cải thiện tình trạng này, cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, gắn phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với việc triển khai xây dựng NTM. Lâu dần, người dân cũng hiểu và hưởng ứng nhiệt tình qua đó tình trạng môi trường trên địa bàn xã được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống, nhận thức của đồng bào về việc bảo vệ môi trường vẫn còn rất hạn chế. Hiện, nhiều phong tục, tập quán không có lợi cho sức khỏe đã tồn tại bao đời nay như: người chết để lâu ngày mới chôn, cưới xin thì ăn uống dài ngày thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thói quen nhốt trâu, ngựa trong nhà của người Mông, phân gia súc được phơi quanh nhà để phục vụ sản xuất nông nghiệp... Những thói quen, tập quán này muốn thay đổi, đòi hỏi sự kiên trì trong tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và từng bước xóa bỏ.
Thời gian qua, các sở ngành, địa phương đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vệ sinh môi trường nông thôn”. Theo đó, các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, phân công cán bộ phụ trách thôn, bản hướng dẫn, vận động các hộ gia đình làm nhà tiêu, chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh, xây dựng các mô hình nhà sạch vườn đẹp, khơi thông cống rãnh, duy trì tổ thu gom rác thải; tổ chức “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, làm mới nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc, đào hố chứa rác...
Tính đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã có 35/143 xã hoàn thành xây dựng NTM. Qua kiểm tra, đánh giá, tiêu chí môi trường luôn được bảo đảm, điều đó cho thấy, công tác bảo vệ môi trường đã thực sự được người dân đồng thuận và ủng hộ tích cực. Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã làm mới thêm được gần 6 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 2 nghìn chuồng trại chăn nuôi, tổ chức hàng nghìn buổi vệ sinh đường ngõ xóm, xây dựng hàng trăm mô hình nhà sạch vườn đẹp...
“Năm 2018, có thêm 10 xã đăng ký về đích NTM trong đó có cam kết hoàn thành tiêu chí về môi trường (tiêu chí số 17)”, ông Khanh cho biết.
TRỌNG BẢO