Dịch bệnh đang có nhiều diễn biến khó lường nên những môi giới bất động sản như anh Hoàng Anh (ở Đống Đa, Hà Nội) phải tìm lối thoát riêng cho bản thân thay vì ngồi im mà không có thu nhập.
Anh Hoàng Anh chia sẻ, trên mạng xã hội, hình thức phát trực tiếp (livestream) để bán hàng rất phổ biến nhưng mua bán và tư vấn bất động sản trực tiếp lại rất hạn chế. Lý do là không ít người cho rằng mua bán nhà là việc lớn không thể xem qua loa trên mạng. Trong khi đó, trên một số hội nhóm bất động sản nước ngoài hình thức này lại khá phổ biến.
Do đó, anh Hoàng Anh đã quyết định học theo cách làm của các đồng nghiệp nước ngoài và phát triển trên các mạng xã hội.
Thường xuyên làm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội nên khi livestream anh Hoàng Anh thu hút được khá đông người tương tác. Anh Hoàng Anh cho biết, việc bán nhà trực tuyến mới được thử nghiệm nhưng đã nhận được tương tác, phản hồi trực tiếp của khách hàng.
Khi giao lưu trên mạng với lượng lớn khách hàng, anh mới nhận thấy không ít người đang tìm một kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tốt hơn gửi ngân hàng với lãi suất thấp. Nhu cầu của khách cũng trải dài từ phân khúc 1-6 tỷ đồng tại các quận nội thành với chung cư, nhà đất và chung cư mini.
Theo môi giới bất động sản này, sau khi nghe tư vấn lượng tin nhắn đổ về điện thoại và tài khoản mạng xã hội rất nhiều. Có người đã chốt được nhà trên livestream.
Trong thời gian giãn cách xã hội ở nhà, anh Phạm Thế Hùng (ở Lạc Long Quân, Hà Nội) cũng tập livestream trên mạng xã hội để tư vấn bán nhà. Tuy nhiên, anh Hùng mới làm nên gặp không ít sự cố.
Trong đó, sự cố thường gặp của anh là lỗi kỹ thuật. Anh chỉ có thể tương tác được với khách trên mạng xã hội video, trong khi các phản hồi từ các trang thông thường lại chưa thể cập nhật kịp. Hơn nữa, lần đầu bán nhà trực tuyến phải tiếp quá nhiều khách, anh cũng không tìm được chi tiết từng căn nhà cho từng khách.
"Trong kho nhà chúng tôi có lượng hàng lớn và đa dạng. Tôi thường làm các video nhỏ để chia sẻ cho khách xem từng căn nhà một cách chi tiết. Tuy nhiên, trên sóng trực tiếp tôi không thể lọc các căn nhà tốt cho khách xem, như vậy sẽ giảm khả năng chốt đơn của khách" - anh Hùng nói.
Ngoài ra, theo anh Hùng, khách nêu nhu cầu trực tiếp trên livestream nên anh không kịp kiểm tra lại giá. Nhiều căn nhà có giá cao ở thời điểm trước dịch, nhưng hiện tại đã điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, theo các môi giới bất động sản như anh Hùng và anh Hoàng Anh, mục đích chính của việc livestream bán nhà là tăng uy tín với khách hàng và tăng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Việc ra mắt một đến hai buổi livestream mỗi tuần sẽ giúp các môi giới tìm kiếm được khách mới và có thêm dữ liệu khách hàng.
"Từ dữ liệu về nhu cầu và tài chính của khách, sau khi hết dịch, tôi sẽ liên lạc để đưa khách đi xem những căn nhà phù hợp. Đây là cách xoay xở trong mùa dịch thay vì nằm im mà không có thu nhập" - anh Hùng chia sẻ.
Một số nhân viên môi giới bất động sản cũng áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến, nhưng theo chị Hà Phương một nhân viên tại sàn bất động sản ở Hà Nội, doanh số trong thời điểm này không hề có.
"Không chỉ livestream, đội kinh doanh cũng lập nhóm khách hàng để gửi thông tin thực tế của các dự án. Tuy vậy, tình hình kinh doanh cũng không khả quan" - chị Phương cho hay.
Hình thức này chưa có hiệu quả với khách hàng trong nước. Theo bà Nguyễn Thái Bảo - Giám đốc Công ty TNHH Infinitas Việt Nam, doanh nghiệp chuyên tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất, trong mùa dịch, công ty vẫn lấy hình ảnh trực tiếp của các dự án để gửi tới khách hàng ở Hồng Kông. Việc quảng cáo sẽ được thực hiện trực tuyến thông qua ứng dụng mạng xã hội hay website của công ty.
Dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của công ty nhưng bà Bảo thông tin rằng việc bán hàng trực tuyến cũng giúp khách hàng nước ngoài tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Trong thời gian giãn cách, công ty cũng chốt được 7 hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài.
Phương thức là nhà đầu tư chốt mua chỉ cần làm hợp đồng ủy quyền, doanh nghiệp có thể đứng ra đại diện mua bán, nhận nhà, làm nội thất và giúp khách hàng nước ngoài tìm khách thuê nhà nếu họ có nhu cầu cho thuê căn hộ.
Bên cạnh khách hàng trong nước, chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp đang là nguồn cầu chính tại thị trường căn hộ dịch vụ. Theo báo cáo của Savills, đại dịch Covid-19 nổ ra đỉnh điểm tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh từ tháng 5 vừa qua đã tác động tiêu cực đến nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ. Song đây vẫn là phân khúc mà các đơn vị kinh doanh bất động sản có thể hướng đến thông qua hình thức trực tuyến.