Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 6/5, đã có 133.214.774 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.347.224 ca bệnh đang điều trị, có 19.236.926 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 110.298 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 412.618 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (75.652 ca) và Mỹ (46.129 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.982 ca, sau đó là Brazil (2.791 ca) và Mỹ (743 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 45.085.499 ca, trong đó có 1.025.679 ca tử vong và 40.144.966 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 115.798 ca nhiễm và 2.822 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.706.378; 4.847.489 và 4.425.940 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.570 ca, sau khi có thêm 27 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (122.005 ca) và Nga (111.895 ca).
Với 41.965.383 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 6/5, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 519.822 ca đã tử vong do COVID-19 và 36.081.180 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 21.070.852; 4.955.594 và 2.591.609 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 230.151; 41.883 và 73.568 ca.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 65.201 ca nhiễm COVID-19 và 1.303 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 38.631.211 và 867.023 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 33.321.244 ca nhiễm và 593.148 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.352.964 và 1.257.328 ca nhiễm, cùng 217.740 và 24.450 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 125.179 ca nhiễm và 4.022 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 25.430.836 ca và 690.386 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 75.652 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.936.464 vào thời điểm hiện tại, và 2.791 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 414.645 ca.
Tính đến sáng 6/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.636.622 ca, trong đó có 123.554 ca tử vong và 4.166.734 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.588.221 ca nhiễm và 54.557 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.073 ca nhiễm và 46 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 512.656 và 315.600 ca nhiễm bệnh cùng 9.043 và 11.122 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 63.267 ca nhiễm (tăng 27 ca) và 1.208 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.965 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất, phân bổ và tiêm phòng vaccine đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Hội nghị ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được; đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khích lệ các thỏa thuận trao đổi công nghệ và tự nguyên cung cấp theo những nội dung được các bên liên quan đồng ý.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cũng đã kêu gọi Nga xem xét tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Bà cũng hối thúc Trung Quốc, Brazil, Cuba và Nga - những quốc gia đang phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 - có hành động tương tự.
Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO./.