Trước đây, nhận thấy xung quanh nhà có rất nhiều vườn cây ăn quả như nhãn, vải, là nguồn thức ăn dồi dào phù hợp với nuôi ong mật nên ông Long mạnh dạn nuôi thử nghiệm 5 đàn ong. Năm 2013, ông Long tìm tòi học hỏi từ nhiều nơi, thông qua sách, báo ông dần dần nhân rộng đàn ong của gia đình. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn ong mật đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Đến nay, sau 5 năm vừa nuôi và nhân giống, đàn ong mật của gia đình ông Long đã tăng lên hơn 45 đàn, trung bình một năm thu được hàng trăm lít mật ong, được bán với giá từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/lít. Từ đầu năm 2018 đến nay, ông đã quay được 150 lít mật ong, đã cho bán 80 lít với giá 300 nghìn đồng/lít giúp ông thu về trên 20 triệu đồng.
Ông Long chia sẻ: Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ. Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn và các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.
Đông thời, để tăng đàn ong, cứ khoảng 2 năm tiến hành thay giống ong chúa đã già một lần, thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng, nên chọn gỗ không có mùi. Mùa đông che chắn cẩn thận, không để ong bị lạnh, không để mưa, thấm ướt vào thùng. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa. Nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều, tiếp theo là nguồn phấn hoa phải là hoa nhãn, hoa cà phê và các loại hoa rừng sẽ cho chất lượng mật ong tốt… Ông Long cho biết thêm.
Ông Đoàn Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh khẳng định: Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, song mô hình nuôi ong mật của ông Nguyễn Chí Long khá mới mẻ nhưng hiệu quả cao, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, ông Nguyễn Chí Long còn giúp đỡ nhiều hộ khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: cung cấp con giống; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương…
KHẮC ĐIỆP