“Mỏ vàng” nếu biết khai thác
Nằm ven Quốc lộ 12, bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống của 110 hộ đồng bào dân tộc Thái. Với thế tựa lưng vào núi, trước mặt là cánh đồng lúa xanh mướt, nổi bật với những nếp nhà sàn mái ngói đã nhuốm màu thời gian, bản Mển đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Hơn nữa, bản Mển cách trung tâm TP. Điện Biên chừng 7km, chỉ mất chừng 10 phút chạy xe, du khách từ TP. Điện Biên Phủ có thể về thăm bản Mển.
Với những lợi thế đó, hàng chục năm nay, người dân bản Mển đã làm du lịch cộng đồng, vừa để tăng thu nhập, vừa gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Theo thống kê, bình quân mỗi tháng bản Mển đón 15 đoàn khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Đặc biệt, vào dịp Lễ hội hoa ban sau Tết Nguyên đán và dịp lễ 30/4, dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm, bản Mển luôn là điểm thăm quan được lựa chọn trong lịch trình của nhiều đoàn khách lên Điện Biên.
Du lịch đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho bản Mển. Với giá từ 100 nghìn đồng/suất ăn, 50 nghìn đồng/người/tối ngủ, cộng với thu từ hoạt động văn nghệ, mỗi năm bản có doanh thu ổn định từ 150-200 triệu đồng. Không chỉ vậy, đời sống của 110 hộ đồng bào Thái ở bản Mển cũng ngày càng được cải thiện, với gần 70% hộ khá, không còn hộ nghèo.
Cũng như bản Mển ở Điện Biên, ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) có điểm du lịch cộng đồng rất nổi tiếng là bản Lác, thuộc xã Chiềng Châu. Bản Lác nằm trong một thung lũng yên bình với những mái nhà sàn nằm nép mình bên dưới những tán cây cổ thụ và màu xanh ngút ngàn của đồng ruộng. Giá trị du lịch của bản Lác còn chất chứa ở bản sắc văn hóa truyền thống của 121 hộ đồng bào dân tộc Thái đã cư trú ở đây hàng trăm năm.
“Mỏ vàng” này đã được chính người dân bản Lác khai thác từ hàng chục năm nay; là nguồn thu nhập chính của người dân. Vào năm 2003, thu nhập bình quân của người dân trong bản chỉ đạt 3 triệu đồng/người/năm. Từ du lịch và nhờ du lịch, hết năm 2018, thu nhập bình quân của người dân bản Lác đã đạt 23 triệu đồng/người/năm; có nhiều gia đình chuyên hoạt động du lịch còn có doanh thu trên dưới 300 triệu đồng/năm.
Làm đại trà là triệt tiêu mô hình
Cùng với bản Mển ở Điện Biên, bản Lác ở Hòa Bình, nhiều bản làng đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc. thời gian qua đã khai thác được tiềm năng từ cảnh quan và các trầm tích văn hóa để phát triển du lịch. Có thể kể đến là bản Dền (Lào Cai), bản Áng (huyện Mộc Châu, Sơn La), bản Phiêng Lơi (Điện Biên),…
Phải khẳng định, tiềm năng du lịch được khai thác có hiệu quả đã làm thay đổi đời sống người dân ở bản Lác, bản Mển, bản Áng,… Đây thực sự là những điểm sáng đáng để người dân cũng như chính quyền các địa phương khác học tập, nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; nhất là đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo mà vẫn gìn giữ, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, làm thế nào để khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững? Đây là vấn đề nhất thiết phải được làm rõ, ngay cả với những điểm sáng về phát triển du lịch như các bản nêu trên.
Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng đề án, dự án để phát triển các điểm du lịch cộng đồng, vừa khai thác cảnh quan thiên nhiên vừa phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Nhưng không khó để nhận thấy, các điểm du lịch cộng đồng trong cùng một địa phương cũng như các địa phương khác nhau thường như những bản “phô tô coppy”. Điểm du lịch cộng đồng nào cũng có những sản phẩm, dịch vụ na ná nhau, như: Ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ… Sản phẩm giống nhau dẫn đến tình trạng bản sắc văn hóa của địa phương bị lai tạp, những nét hay, nét riêng biệt đặc sắc của văn hóa, ẩm thực các địa phương bị mai một dần.
Và quan trọng hơn, với tình trạng “na ná nhau”, các điểm du lịch cộng đồng sẽ đối diện với một tương lai là sẽ vắng dần khách. Một khi không còn (hoặc không có) điểm nhấn để thu hút du khách thì điểm du lịch cộng đồng chắc chắn sẽ “đắp chiếu”.
Theo các chuyên gia du lịch, muốn hạn chế tình trạng phát triển tự phát về du lịch cộng đồng như hiện nay thì nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng. Mặt khác, các nhà khoa học cần phối hợp nghiên cứu rồi hướng dẫn người dân địa phương hiểu sâu hơn về bản sắc riêng của văn hóa tộc người, vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên… để từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, không trùng lặp.
Ngoài ra, những địa phương có thể phát triển được loại hình du lịch cộng đồng cũng cần có chính sách dành riêng cho loại hình du lịch này. Đặc biệt, các địa phương phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, giúp đào tạo nhân lực. Có như vậy, các điểm du lịch cộng đồng mới có điều kiện để phát triển bền vững.
SỸ HÀO