Nguy cơ cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm
Tỉnh Khánh Hòa có diện tích rừng lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều tỉnh nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Ông Trần Ngọc Dục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: “Địa bàn Ninh Hòa có đặc thù nhiều diện tích rừng trồng mới sau cơn bão số 12 năm 2017 đến nay vẫn chưa khép tán, do đó nguy cơ cháy càng cao hơn”. Qua thống kê sơ bộ của Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, mùa khô năm nay, toàn thị xã có hơn 5.000ha rừng (trong đó có hơn 2.400ha rừng trồng và hơn 2.600ha rừng tự nhiên) có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Còn tại huyện Cam Lâm cũng có hơn 24.505ha rừng và đất có rừng, trong đó có hơn 19.145ha rừng tự nhiên, 4.163ha rừng trồng. Nhiều khu vực rừng của huyện giáp ranh với dân cư, đường đi, nương rẫy của người dân; địa hình đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều khu vực có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, dễ bắt lửa. Đây là những khó khăn trong công tác phòng, chống cháy rừng của địa phương”, ông Hồ Tấn Pháp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho biết.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho thấy, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 276.000ha, chiếm gần 55% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,43%. Đáng chú ý, rừng trồng của người dân và doanh nghiệp với diện tích khoảng 16.500ha, chủ yếu là cây keo lai, loại cây dễ cháy.
Tỉnh Quảng Ngãi có gần 334.300ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng trồng, chủ yếu là keo và bạch đàn trên 193 nghìn ha. Diện tích rừng phần lớn tập trung ở 6 huyện miền núi. Hầu hết rừng đều nằm ở địa hình phức tạp, độ dốc cao nên công tác xử lý đám cháy luôn gặp khó khăn.
Ông Trần Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long cho biết: Địa phương có hơn 23.700ha rừng tự nhiên nhưng việc trang bị phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng khi có cháy xảy ra. Phương tiện chữa cháy vô cùng thiếu thốn, khi có cháy xảy ra thì giải pháp chủ yếu vẫn là dập lửa thủ công. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khi có cháy lớn thì phương tiện chữa cháy không thể đến tận nơi vì đường đi khó khăn, không có đường giao thông.
Triển khai nhiều biện pháp phòng chống
Theo công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), miền Trung-Tây Nguyên là một trong 3 khu vực đang có nguy cơ cháy rừng cao, ở cấp độ V. Vì vậy, Bộ NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương các tỉnh, thành tập trung duy trì lực lượng chốt, tuần tra cháy rừng ở các vùng trọng điểm.
Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Từ tháng Ba đến tháng Tám là thời điểm mùa khô nên thường xảy ra nguy cơ cao cháy rừng. Vì vậy ngay từ đầu mùa khô, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, nhất là tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cho các hộ trồng rừng. Vì mọi biện pháp phải xuất phát từ ý thức của người dân”, ông Đại cho biết.
Còn tại Khánh Hòa, theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm địa phương, tăng cường công tác PCCCR; phân công trực chỉ huy, trực báo cháy nghiêm túc; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng… Bên cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra kỹ lưỡng công tác chuẩn bị PCCCR của các chủ rừng trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra tại các khu vực trọng điểm để phát hiện kịp thời điểm cháy…
Đối với công tác PCCCR tại Phú Yên, ông Nguyễn Minh Dư, Phó Chi cực trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, nguy cơ cháy rừng tại địa phương đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy từ các chủ rừng cho đến những người thường xuyên làm việc trong rừng phải cảnh giác với lửa. Các phương tiện chữa cháy phải được huy động sẵn sàng đến mức tối đa để ứng phó nếu có cháy. Tất cả các phương án chữa cháy đều thực hiện 4 tại chỗ. Đây là giải pháp tối ưu phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức tổi đa những thiệt hại do hiểm họa cháy rừng gây ra.
LÊ PHƯƠNG