325 người bị chết và mất tích
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến trưa ngày 12/9, mưa lũ do bão số 3 đã khiến ít nhất 325 người bị chết và mất tích.
Lào Cai là địa phương chịu tổn thất lớn nhất về người, với 82 người chết và 95 người mất tích. Tiếp đến là Cao Bằng: 52 người, Yên Bái: 44 người, Quảng Ninh: 15 người, Phú Thọ: 10 người…
Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận người dân bị thiệt mạng hoặc mất tích do mưa lũ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hoà Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Hà Nội.
Mưa lũ do bão số 3 còn khiến 130.268 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy, đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Toàn khu vực miền Bắc ghi nhận 57.857 nhà dân bị ngập; khoảng 195.929ha lúa bị ngập úng; 35.010ha hoa màu bị thiệt hại; 22.237ha cây ăn quả bị hư hại; 1.791 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi; 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết…
Thông tin từ Chi cục Quản lý đê điều, phòng chống lụt bão, thủy lợi các tỉnh, thành phố, khu vực miền Bắc cho thấy, trên các tuyến sông đã xảy ra 70 sự cố đê điều. Trong đó, 30 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên và 40 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.
Không chủ quan với diễn biến mưa lũ
Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả bão số 3. Cụ thể, Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng.
Những ngày qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đến kiểm tra, đánh giá tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương. Thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân không may gặp thương vong trong đợt mưa lũ lịch sử đang diễn ra…
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai duy trì công tác trực ban 24/24 giờ; tham mưu chỉ đạo, triển khai ứng phó với mưa lũ; tổ chức gửi khẩn cấp 9,3 triệu tin nhắn “Tin lũ khẩn cấp” cho các khu vực có nguy cơ cao cho người dân 14 tỉnh, thành phố và 7,2 triệu tin nhắn “Khuyến cáo an toàn trước lũ quét, sạt lở đất” cho người dân 17 tỉnh/thành phố.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai những ngày tới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành nhấn mạnh các tỉnh, thành phố, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Sáng 12/9, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục ghi nhận có mưa, với lượng phổ biến từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Dự kiến ngày và đêm 12/9, các nơi khác ở Bắc Bộ sẽ có mưa từ 10 - 30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Diễn biến thiên tai còn rất phức tạp.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều
Trong Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Trong đó tập trung: Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.