Đi dọc trên tuyến đường qua địa bàn huyện và các đường giao thông liên thôn, liên xã, chúng tôi quan sát thấy có nhiều bãi rác “mọc” lên tự phát. Vỏ chai lọ, bao nilon, bao tải rác vứt bừa bãi bên lề đường, bụi rậm, ven kênh mương, chân cầu, bờ suối…
Tại một số nơi tập trung đông người như chợ, dù có biển “Cấm đổ rác” nhưng rác thải, xác động vật vẫn chất thành đống, bốc mùi khó chịu. Ông Trần Trung Tuyến, sống tại thôn 13, xã Minh Xuân chỉ vào một bãi rác gần nhà bức xúc nói: “Ban đầu, người đi đường thỉnh thoảng vứt vài túi nilon vào bụi rậm, lâu dần thành bãi rác to. Bây giờ người ta còn đem cả rác từ nhà mình đến đây vứt. Hôm nào trời mưa, rác trôi ra khắp đường rất mất vệ sinh. Còn những hôm trời nắng nóng thì mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Lượng rác nhiều khiến đường kênh mương thủy lợi qua khu vực này luôn trong tình trạng bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong và ngoài thôn”.
Được biết, trước kia rác thải sinh hoạt ít, các hộ gia đình trong huyện đều tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Nhưng thời gian gần đây, lượng rác thải ngày càng tăng cao. Ước tính toàn huyện thải ra khoảng 15 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tại khu vực thị trấn Yên Thế-trung tâm của huyện, mỗi ngày có khoảng 4,5 tấn rác sinh hoạt của hơn 2 nghìn hộ dân được tập kết về đây gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn ở các xã, đặc biệt là một số xã có các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ như Liễu Đô, Tân Lĩnh, Khánh Hòa,…, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi kèm với việc phát sinh một lượng chất thải nguy hại lớn xả thải hoàn toàn ra môi trường.
Ngoài ra, việc phát triển các dự án nông nghiệp tập trung như chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ tại các hộ dân không có hệ thống xử lý chất thải dẫn đến việc nước thải chăn nuôi được xả thẳng ra vườn, ao hồ, sông ngòi; xác động vật chết không được xử lý, chôn lấp triệt để. Tình trạng này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, làm mất đi mỹ quan đường làng ngõ xóm. Nhiều hệ thống suối trên địa bàn huyện hiện nay cũng đang trong tình trạng báo động do ý thức của người dân thường có thói quen vứt rác bừa bãi. Ông Nông Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: “Mặc dù, địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý các trường hợp vứt rác xuống suối nhưng đến nay vẫn chưa phạt được một trường hợp nào, rất khó khăn đối với xã…”.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do một bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên “tiện đâu vứt đấy” Trong khi hầu hết rác thải rất khó phân hủy tự nhiên, cần phải xử lý theo quy trình. Mặt khác, do chưa quy hoạch được bãi rác tập trung các đơn vị chức năng chưa thực hiện xử phạt hành vi vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường nên công tác bảo vệ môi trường ở các xã vẫn chỉ dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền.
Trên địa bàn huyện Lục Yên hiện chỉ có 1 bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, sức chứa khoảng 10 tấn rác thải/ngày và xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp. Toàn huyện mới chỉ thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt tại thị trấn Yên Thế. Ngoài ra, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của huyện Lục Yên còn nhiều hạn chế. Kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường chủ yếu tập trung vào công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thị trấn Yên Thế. Tại các xã còn lại, chưa có kinh phí để thực hiện thu gom, xử lý. Công tác bảo vệ môi trường rất khó hài hòa với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Xem ra, vấn đề xử lý rác thải vẫn đang là một bài toán khó đối với chính quyền và nhân dân huyện Lục Yên.
KHẮC ĐIỆP