201 người chết, mất tích và bị thương, 7.102 nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; hàng chục nghìn héc ta lúa, ngô, hoa màu, cây công nghiệp, lâm nghiệp bị vùi lấp, gãy đổ; hàng nghìn công trình điện, đường, trường, trạm, giao thông bị trên địa bàn tỉnh Lào Cai hư hỏng... Con số quá “khủng khiếp” và đau thương trước sự tàn phá của thiên tai.
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên - nơi chịu nhiều mất mát và đau thương với 67 người chết và mất tích. Làng Nủ cũng là một trong những nơi nhận được nhiều sự đùm bọc, yêu thương, sẻ chia của Đảng, Nhà nước và người dân cả nước. Đến hôm nay, ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp từ các đoàn cứu trợ, bà con làng Nủ đang được tỉnh Lào Cai và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp xây dựng lại nơi ở mới, dự kiến hoàn thành sau 3 tháng nữa.
Không chỉ có Làng Nủ, ở Kho Vàng, Nậm Tông (huyện Bắc Hà)… những ngôi làng mới cũng gấp rút được khởi công để bà con sớm “an cư” với quan điểm “nơi ở cũ phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn; tuy nhiên, trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, Lào Cai vẫn xác định công tác bố trí nhà ở cho người dân vùng lũ được quan tâm hàng đầu bằng nguồn lực của địa phương, sự hỗ trợ của Chính phủ, các nhà hảo tâm. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng thiên tai, bởi có “an cư mới lập nghiệp”.
“Để ổn định cuộc sống Nhân dân thì nhà ở là ưu tiên hàng đầu; đối với những nhà bị sập hoàn toàn, bị lũ cuốn trôi cần ưu tiên hỗ trợ trước. Các địa phương cần sớm có đánh giá chính xác thiệt hại về nhà ở để tiến hành công tác bồi thường, có các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại…”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh.
Song song với việc hỗ trợ, tái thiết lại các khu dân cư, sau mưa lũ các địa phương cũng đã và đang bắt tay ngay vào việc vận động người dân khôi phục sản xuất. Hàng chục tấn hạt giống các loại đã và đang được ngành Nông nghiệp Lào Cai chuyển đến bà con nông dân để kịp thời vụ sản xuất.
Đối với huyện chịu thiệt hại nhẹ do thiên tai gây ra như Bảo Thắng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương thống kê thiệt hại về sản xuất để hỗ trợ bà con giống, kinh phí giúp bà con nông dân tái sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng về thực phẩm, rau xanh cho thị trường. Còn ở huyện Quang Kim, huyện Bát Xát - nơi bị thiệt hại lớn về diện tích nuôi trồng thủy sản, bà con nông dân nơi đây cũng đã bắt tay vào nạo vét bùn đất ao nuôi, cải tạo lại hệ thống mương máng để sớm thả cá trở lại, từng bước vực dậy “sinh kế” của gia đình.
Hậu quả của thiên tai, mưa lũ là mất mát về người, là thiệt hại về tài sản; con số gần 6 nghìn tỷ đồng thiệt hại toàn tỉnh Lào Cai đã nói nên sức tàn phá khủng khiếp của trận mưa lũ lịch sử. Những hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS… là những đối tượng chịu “tổn thương” nhiều nhất khi xảy ra thiên tai. Giữa bộn bề khó khăn, người dân ở những vùng thiên tai đã và đang nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để tái thiết lại cuộc sống; hàng chục nghìn tấn hàng hóa cứu trợ của các nhà hảo tâm cũng đã chuyển đến tay bà con thể hiện sự đùm bọc, yêu thương của Nhân dân cả nước.
Công cuộc tái thiết, khôi phục sau mưa lũ sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực rất lớn. Nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, tương thân tương ái; tin tưởng rằng đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai sẽ sớm vượt qua, vươn lên sau những mất mát do mưa lũ gây ra.