Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các địa phương trong toàn tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.782 hộ/399 thôn của 94 xã/10 huyện và Tp. Lạng Sơn. Tổng số lợn mắc bệnh, bị chết, buộc phải tiêu hủy gần 5.800 con, với tổng trọng lượng trên 272.000kg.
Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh. Tại một số huyện, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở tất cả các xã, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn lao đao
Với việc đã có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêm phòng là một trong các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện. Qua thực tế đã cho thấy những tác dụng phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi khi lợn được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Nam HùngChi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn
Điển hình như tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, trong đợt tái phát ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ ngày 9/5 đến ngày 8/6, toàn xã có 57 hộ chăn nuôi lợn có lợn bị bệnh và buộc phải tiêu hủy 157 con lợn, tổng trọng lượng gần 6,1 tấn. Đây là xã có số lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy lớn nhất huyện Lộc Bình tính đến thời điểm này.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1.005 hộ/223 thôn/75 xã thuộc10 huyện, làm chết và phải tiêu hủy hơn 3.000 con lợn, với tổng trọng lượng là 149.559 kg.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, UBND các huyện Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia đã công bố dịch ở 35 xã. Các huyện khác trong tỉnh Lạng Sơn hiện đang theo sát diễn biến của dịch bệnh để chủ động phòng, chống dịch trên tinh thần phòng dịch là chính; nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người chăn nuôi, thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch bệnh.
Cơ quan chức năng địa phương đã chỉ ra nguyên nhân chính làm dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát, lây lan là do mầm bệnh từ các ổ dịch cũ vẫn còn tồn tại trong môi trường, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh.
Đặc biệt, khi lợn bị mắc bệnh, một số hộ chăn nuôi đã giấu dịch, tự tiêu hủy, bán chạy hoặc giết mổ lợn để tiêu thụ; không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Việc phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa quyết liệt, triệt để… Mặt khác, việc chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu vẫn là nuôi nhỏ lẻ; tái đàn bằng những con giống không rõ nguồn gốc, được mua từ chợ hoặc các thương lái vận chuyển trực tiếp đến hộ chăn nuôi, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chủ động tiêm phòng vắc xin để ngăn chặn dịch bệnh
Mặc dù tình hình diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình khá phức tạp, nhưng có số ít lợn của một số hộ chăn nuôi tại xã vẫn “miễn nhiễm” với bệnh dịch. Như hộ ông Vi Văn Thu, thôn Hợp Nhất, xã Thống Nhất, đến nay, đàn lợn 12 con của gia đình ông Thu vẫn khỏe mạnh, trong khi đó, các hộ chăn nuôi lợn xung quanh nhà ông Thu đều đã bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy.
Ông Thu cho biết, tháng 4/2024, gia đình đi mua giống trên 4 tuần tuổi về nuôi. Khi đó, ông cũng mua một số liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi về tiêm cho đàn lợn. Vì thế, lợn của gia đình có kháng thể để đề kháng bệnh dịch trong đợt này.
Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, với việc đã có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêm phòng là một trong các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện. Qua thực tế đã cho thấy những tác dụng phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi khi lợn được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành chức năng, 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mới chỉ đạt khoảng 0,01% so với tổng đàn lợn trên địa bàn.
Trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất cao do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là nhỏ lẻ, thời tiết thay đổi và có nhiều diễn biến phức tạp cũng là điều kiện để các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Cùng với đó, nhiều đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Tp. Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm những trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn bệnh... Đồng thời kêu gọi Nhân dân khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y, phối hợp áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Tỉnh cũng khuyến khích người dân áp dụng, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi…
Năm 2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 76 ổ dịch tại 590 hộ/163 thôn/59 xã/10 huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tổng số lợn ốm, chết và buộc tiêu hủy hơn 2.300 con, chủ yếu là lợn con và lợn thịt.