Trong miền ám ảnh
Chỉ mới cách đây gần chục năm thôi, khi ấy nỗi sợ về bệnh lạ, về con ma rừng gây nên theo cách nói của đồng bào cứ bao trùm từng ngóc ngách trong những khu làng nhỏ nằm miên man trên triền núi một thủa anh hùng này. Sau một thời gian làng Rêu nổi lên vì căn bệnh da dày sừng bàn tay chưa hề có trong y văn thế giới khiến cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào khó khăn.
Trong trí nhớ của nhiều người như ông Phạm Văn Đáy có ba đứa con thì có đến 2 đứa mất vì căn bệnh lạ đó, giờ chỉ còn thằng con út, hay bà Đinh Thị Chiên, Bà Phạm Thị Liên, hay cả với anh Nguyễn Anh Khoa (36 tuổi, Chủ tịch UBND xã Ba Điền) thì thời điểm đó quả thực đáng sợ. Ông Phạm Văn Đố, Trưởng thôn làng Rêu bảo, từ năm 2011 đến 2014, toàn xã Ba Điền có 264 người mắc bệnh, trong đó có 24 người tử vong, rải đều ở 4 thôn Hy Long, Gò Nghênh, Làng Tương và Làng Rêu, trong đó nặng nhất là thôn Làng Rêu.
Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia y tế, đầu ngành tỉnh, Bộ Y tế và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) về khảo sát thực địa, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của bệnh nhân... để tìm nguyên nhân gây bệnh. Khi căn bệnh ùa về làng, đến cả thầy mo của làng cũng phải lặng lẽ rời đi trong nỗi sợ hãi thì nói gì đến người dân. Không chỉ làng Rêu, mà còn nhiều ngôi làng khác nữa nằm giữa thung sâu nơi núi rừng Ba Tơ cứ trăn trở từng ngày để chống chọi với căn bệnh quái ác kia. Không thì người ta bỏ làng ra đi để trốn bệnh.
Làng Rêu một thời sống trong ám ảnh căn bệnh lạ kỳ cướp đi nhiều sinh mạng, khiến nhiều người bỏ làng, nhiều đứa trẻ bỏ học, nhiều cánh đồng bỏ cày cấy. Nằm khuất giữa những cánh rừng nhỏ, những năm trước mỗi mùa mưa bão là làng Rêu lại bị tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Dân làng sống với đời sống của rừng, ăn rừng ngủ rừng và chết với rừng. Với họ, căn bệnh lạ ập đến giống như sự trừng phạt của Yang trời Yang đất. Người làng đâu có làm gì nên tội mà sao Yang lại nỡ cướp đi bao nhiêu người trong làng như thế? Những câu hỏi ấy ánh lên trong mắt lũ làng, ám ảnh trong câu nói của người già, khắc khoải trong cuộc trò chuyện của người nam người nữ, ám cả vào giấc ngủ của người trẻ.
Rồi con “ma bệnh” cứ từ từ biến mất. Người làng không còn ai chết vì “bệnh lạ” nữa. Người làng đã hiểu ra, hóa ra chẳng có “con ma” nào làm bệnh cả. Chỉ vì đời sống người dân kham khổ quá, y tế chưa được quan tâm, thói quen sinh hoạt lạc hậu gây nên bệnh tật. Ông Đố kể thế, rồi lại cười ngay mà bảo rằng: “Nhưng giờ thì người dân đã trở lại cuộc sống bình thường rồi. Người dân không còn sợ bệnh lạ nữa vì tuần nào, tháng nào cũng có cán bộ y tế về hướng dẫn cho bà con cách vệ sinh, cách phòng bệnh rồi. Người dân ở đây giờ chỉ còn lo làm ăn, lo chăm con cái học hành nữa thôi!”…
Hồi sinh từ sợ hãi
Mấy năm qua, Làng Rêu và xã Ba Điền được đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh như Trạm Y tế xã, đường giao thông. Đặc biệt là dự án nước sạch cho người dân Làng Rêu với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn được một doanh nghiệp ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 sân bóng đá và 1 sân bóng chuyền để thanh niên trong làng có chỗ tập luyện thể thao sau những giờ lên rừng, ra rẫy, góp phần rèn luyện thể lực.
Bây giờ làng Rêu hết bệnh, người H’rê nơi đây không còn ám ảnh nữa, thay vào đó là dốc sức để làm kinh tế. Anh Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch xã Ba Điền cho biết: “Nhờ được đầu tư giao thông và những công trình khác, thực sự là sức bật mới để giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã đổi mới, đi lên. Sau một thời gian chúng tôi phải căng hết sức đối phó với căn bệnh lạ, thì giờ đây người dân đã có thể yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống. Và bộ mặt của Ba Điền bây giờ đã khác trước nhiều lắm rồi!”.
Làng Rêu giờ đã khác lắm rồi. Con suối Nước Nẻ đầy hung dữ khiến làng Rêu biến thành ốc đảo mỗi mùa mưa bão đã được xây cầu, người làng không sợ con nước làm chết người mỗi mùa mưa bão. Đường được bê tông hóa cho xe máy chạy rầm rập trong làng, chạy qua cầu, chạy ra xã, ra huyện trong ngày. Hàng hóa được mua bán, trao đổi thuận tiện hơn.
Ở Làng Rêu, ở xã Ba Điền bây giờ bệnh mới không nảy sinh, bệnh cũ không tái phát nữa, thế nên bây giờ làng Rêu đã trở lại nhịp sống bình yên. Sáng sáng người đàn ông đàn bà ra ruộng ra rẫy, trẻ con thì tới trường, mỗi người một việc. Cuộc sống khá dần, người làng bây giờ ai cũng biết mua thức ăn có chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Tình trạng để thức ăn hun khói, dự trữ trên giàn bếp, hay để lúa trong chòi gây nên ẩm mốc không còn nữa. Người dân đựng lúa trong phi, đựng thức ăn trong tủ lạnh, rồi uống nước đã đun sôi. Mỗi khi đau ốm, đồng bào đều đến Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh.
Trưởng thôn làng Rêu vui vẻ khoe, một nửa số hộ trong thôn giờ đã cất nhà bằng gạch, xi măng kiên cố. “Thu nhập chính của bà con ở đây chủ yếu dựa vào trồng keo. Mấy năm nay, keo được giá nên nhà nào nhà nấy khấm khá. Do đó, việc họ cất nhà cả nửa tỷ cũng là chuyện bình thường. Còn xe gắn máy thì hầu như nhà nào cũng có, nhiều hộ sắm 2-3 chiếc. Mừng hơn nữa là trẻ em có điều kiện tốt hơn để đến trường. Bây giờ trong làng có 5 em đang theo học đại học ở các thành phố lớn. Khu dân cư thôn Làng Rêu bây giờ có 111 hộ, 389 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Hrê chiếm 98% dân số thôn. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới…
Mới đây, vào cuối tháng 11/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao Bằng khen công nhận khu dân cư thôn Làng Rêu là khu dân cư tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2022. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã được biểu dương, khen thưởng vì đã thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Nói về thành quả ấy, Anh Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch xã Ba Điền vẫn đầy chân tình: “Tôi vẫn nhiệt huyết như lúc mới lên Ba Điền và còn nhiều dự tính cho vùng đất này nữa”.