Đại dịch Covid-19 đã khiến trường học phải đóng cửa và gây ra sự gián đoạn giáo dục lớn nhất trong lịch sử, với hơn 1,5 tỷ học sinh bị ảnh hưởng vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Hơn 767 triệu học sinh trong số này là nữ sinh. Theo ước tính của UNESCO, hơn 11 triệu trẻ em gái, từ bậc mầm non đến đại học, đã không trở lại trường học trong năm 2020. Con số đáng báo động này không chỉ đe dọa những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ hướng tới bình đẳng giới, mà còn khiến trẻ em gái trên khắp thế giới có nguy cơ bị mang thai ở tuổi vị thành niên, kết hôn sớm, kết hôn cưỡng ép và bạo lực. Đối với nhiều trẻ em gái, trường học không chỉ là chìa khóa cho một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là một cứu cánh.
Chiến dịch “ Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái ” cũng tập trung sự chú ý tới hơn 130 triệu trẻ em gái đã nghỉ học trước đại dịch, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hợp tác để bảo đảmquyền học tập của các em.
Tại Việt Nam, Chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ Dự án “Chúng tôi Có thể” - thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái vùng DTTS của Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những thách thức mà trẻ em gái DTTS phải đối mặt trong việc tiếp cận giáo dục, từ đó kêu gọi toàn xã hội hành động để trẻ em gái được đến trường. Ngoài ra, Chiến dịch sẽ góp phần khuyến khích cộng đồng và cha mẹ hỗ trợ việc học tập của con cái. Đặc biệt là giáo dục cho trẻ em gái, thông qua việc tăng cường kiến thức và nhận thức về tầm quan trọng/ lợi ích của giáo dục.
Các hoạt động của Chiến dịch bao gồm truyền thông trong trường học và truyền thông trên mạng xã hội. Hoạt động truyền thông xã hội qua trang Facebook chính thức của văn phòng UNESCO Việt Nam dự kiến được khởi động từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021, với mục tiêu khuyến khích các bạn thanh thiếu niên người DTTS chia sẻ suy nghĩ của mình về tầm quan trọng của giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giáo dục của thanh thiếu niên vùng DTTS, nhất là trẻ em gái.
Người tham gia sẽ chia sẻ câu chuyện ảnh về các em gái, các bạn nữ DTTS, về việc giáo dục đã giúp họ đạt được giấc mơ của mình. Những người tham gia có thể thuộc các giới, nhóm tuổi và dân tộc khác nhau, những người trải qua những thách thức hoặc thành công khác nhau trong quá trình học tập. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ DTTS, những người theo đuổi "công việc phi truyền thống cho phụ nữ", chẳng hạn như cơ khí, kỹ sư, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, nhà khoa học, luật sư... được khuyến khích gửi câu chuyện, hình ảnh của họ để phá vỡ định kiến giới về lựa chọn nghề nghiệp theo giới tính.
Trong chiến dịch này, UNESCO kêu gọi mọi người, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ là người DTTS đã có những ảnh hưởng với công chúng đồng hành để lan tỏa chiến dịch và lan tỏa thông điệp “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”.