Có lẽ, nhiều người không còn xa lạ với những cái tên, như: Giàng A Dạy (Sơn La) khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao; Lường Đình Hùng (Bắc Kạn) khởi nghiệp thành công với mô hình Hợp tác xã của thanh niên; Sầm Thị Tình (Nghệ An) thành công đưa nghề dệt thổ cẩm ra thế giới… Và còn nhiều lắm những gương mặt thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực. Những cái tên đã được biết đến, hoặc vẫn đang thầm lặng vươn lên, đạt được những thành công trong cuộc sống.
Nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên DTTS, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; hoạt động hỗ trợ thanh niên DTTS tham gia phát triển kinh tế… Các cấp bộ đoàn đã tập trung hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực, như: Hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên; hỗ trợ thanh niên ứng dụng phần mềm phát triển thị trường; hỗ trợ thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ cao…
Cùng với đó, là cơ quan quản lý về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đặc biệt quan tâm đến hoạt động hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thời gian qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tiếp tục có sự chung tay hỗ trợ. Trong đó có phong trào thanh niên DTTS khởi nghiệp với các sáng kiến sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp cũng là một trong những giải pháp được đưa vào Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đề án được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. “Chúng tôi thấy, rất cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, các nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hai vấn đề này dự thảo Đề án đã giải quyết rất tốt, rất cụ thể và toàn diện”, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) chia sẻ.
Tại cuộc thi tìm kiếm “Ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng DTTS Việt Nam” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức vừa qua, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 23 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết. Các ý tưởng được lựa chọn phần lớn là của thanh niên DTTS. Điển hình như các dự án: Đào tạo nghề cho phụ nữ thanh niên Mông gắn với thiết kế, sử dụng thổ cẩm; mô hình chanh leo theo chuỗi giá trị do phụ nữ và thanh niên DTTS tỉnh Cao Bằng…
Tương tự, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức đã thu hút được 225 dự án tham gia dự thi từ 48 tỉnh, thành trên cả nước. Ban Tổ chức đã lựa chọn 29 dự án dự thi vòng chung kết tới đây. Trong đó có nhiều dự án của thanh niên DTTS. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, điểm đáng khen là những thanh niên - chủ dự án đã nắm rõ cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ và làm chủ được công nghệ. Bên cạnh đó, các đội thi đã bắt đầu ý thức, làm quen với các minh chứng, chứng thực về sản phẩm…
Rõ ràng, không ai có thể thay thế mỗi thanh niên DTTS làm chủ bản thân, vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhưng cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với thanh niên nói chung, thanh niên DTTS nói riêng rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, giúp thanh niên DTTS vươn lên.