Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định khi làm việc online tại nhà nhưng anh Phan Thống Xuân, dân tộc Bố Y, cán bộ xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã quen dần và bắt nhịp khá tốt với công việc. Theo anh Xuân, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan đã cho nhiều cán bộ thay phiên nhau làm việc online.
“Trước đây, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của tôi còn hạn chế. Nay vừa là giải pháp tình thế, vừa mày mò, học hỏi, tôi đã biết khá nhiều các ứng dụng tiện ích để xử lý công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất”, anh Xuân cho biết.
Tại nhiều cơ quan, đơn vị ở địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS, cách làm việc trực tuyến đã thôi thúc cán bộ phải ứng dụng CNTT một cách nhuần nhuyễn. Chỉ cần một chiếc điện thoại nhỏ, hay chiếc iPad, máy tính là có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc.
Đối với các trường học, việc dạy học trực tuyến thời gian qua được triển khai sâu rộng. Thực tế chứng minh, dạy học trực tuyến là cơ hội để các giáo viên và học sinh rèn luyện thêm việc giảng bài, tự học, kiểm tra thông qua ứng dụng CNTT. Cùng với đó, cũng cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình và nhà trường trong việc nâng cao hiệu quả học tập cho các em.
Tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc áp dụng hình thức dạy học tuy còn nhiều rào cản, nhưng đã đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chúng ta không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh những cô cậu học sinh DTTS ở vùng sâu, vùng xa dựng lán học tạm ở những nơi có sóng điện thoại, có internet để học trực tuyến và học hỏi những thông tin trên môi trường mạng.
Theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc học trực tuyến đã giúp ngành Giáo dục và đội ngũ thầy cô, đặc biệt ở vùng DTTS có bước tiến dài trong ứng dụng CNTT và xây dựng bài giảng dựa trên nền tảng công nghệ số. Ngành Giáo dục đã có những giải pháp kết nối, hỗ trợ nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi một số thiết bị công nghệ thông minh đi kèm với internet để các em học trực tuyến.
Nhiều người đánh giá, thực tế các cuộc họp, làm việc trực tuyến với sự kết nối internet có nhiều ưu điểm như: hiển thị hình ảnh trực quan, sinh động; kết nối đa điểm; chia sẻ thông tin giữa những người dùng cách xa nhau, truyền âm thanh và dữ liệu đồng thời như ở thời gian thực. Nhiều phần mềm ứng dụng CNTT tiện ích được áp dụng.
Riêng ứng dụng Zoom, theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, việc sử dụng ứng dụng này đã tăng 67% do các trường học, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng nền tảng này để làm việc, hội họp và đào tạo từ xa nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng trong mùa dịch như VNPT iOffice và VNPT Meeting, bên cạnh các ứng dụng truyền thống như Skype...
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan và các địa phương tập trung ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính. Đề nghị của Văn phòng Chính phủ nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Tại cuộc họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa Covid-19, khi hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương gương mẫu trong việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Có thể thấy, làm việc trực tuyến đang là xu hướng tất yếu. Điều này, không chỉ được tính đến trong thời điểm dịch Covid-19 mà cần được tính đến trong việc triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới xã hội số trong tương lai.