Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong thời gian họp, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung làm việc, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, giúp Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc thời ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng. Cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với tổng số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng.
UBTV Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách, để theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội. Qua đó, Quốc hội, UBTV Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Đất nước ta bước vào trạng thái “bình thường mới” đã cho thấy thành công trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch hết sức quyết liệt của Chính phủ với những hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt, sự chỉ đạo của Chính phủ có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã có Nghị quyết 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ hành động để kịp thời xử lý, ứng phó với dịch bệnh. Nhờ đó, công tác chống dịch Covid-19 của Chính phủ được đồng bộ, kịp thời, nhận được sự vào cuộc, ủng hộ, chung tay của người dân để có được kết quả như ngày hôm nay.
Một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là chất vấn và trả lời chất vấn. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đã diễn ra nghiêm túc, thẳng thắn và trí tuệ, thể hiện sự đổi mới trong kỳ họp. Công tác tranh luận cũng được tăng cường, đồng thời chỉ ra những yếu kém của các ngành, lĩnh vực. Qua hoạt động chất vấn, cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đúng và trúng, được đại biểu Quốc hội và Nhân dân đánh giá cao.
Qua theo dõi Chương trình Kỳ họp, cử tri Nguyễn Văn Hậu, phường 1, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho rằng: Các ý kiến thảo luận tại nghị trường, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện trình độ và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; phát huy được trí tuệ tổng hợp. Đặc biệt, chủ tọa Kỳ họp điều hành các phiên họp rất linh hoạt, khoa học; khẳng định rõ tinh thần vì dân, không ngừng đổi mới, nói đi đôi với làm, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.
Quan tâm toàn diện đến vùng đồng bào DTTS và miền núi
Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, đổi mới, vì dân. Đánh giá về kết quả tình hình KT-XH năm 2021, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Báo cáo tình hình KT-XH năm 2021 của Chính phủ và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, mức độ quan tâm của các chính sách, vai trò và tác động của các chính sách đến vùng đồng đồng bào DTTS và miền núi còn rất khiêm tốn.
“Đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng hoặc lồng ghép cụ thể hơn trong các chính sách chung, những giải pháp đặc thù, liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xem xét, bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022 như: Chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Tại Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm, kiến nghị các vấn đề liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG), coi đây là Chương trình quan trọng, tạo bước đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.
Đóng góp ý kiến cho việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề nghị cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã chính thức khép lại, với nhiều nghị quyết quan trọng đã được Quốc hội thông qua. Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Với quyết tâm đổi mới, tinh thần khẩn trương, tích cực, Quốc hội đã thống nhất rất cao về các nội dung, thời gian, chương trình cũng như cách thức tổ chức kỳ họp. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình Kỳ họp.
Thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.