Cụ thể, Công ty TNHH Gia Nghi có 2 nhà máy, Công ty CP Thủy điện Đăk Rơ Sa có 2 nhà máy, Công ty CP Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi có 2 nhà máy…
Trong đó, Nhà máy Thủy điện Đăk Ne thuộc Công ty CP Tấn Phát (Khu Công nghiệp Hòa Bình, TP. Kon Tum) có số nợ lớn nhất, tính đến nay là hơn 7,2 tỷ đồng (gồm nợ gốc từ năm 2011-2014 gần 5 tỷ đồng, tiền lãi chậm nộp hơn 2,3 tỷ đồng).
Theo lý giải của các nhà máy thủy điện, họ nộp chậm là do Tổng Công ty Điện lực miền Trung (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng từ tháng 6/2011 trở đi (không chi trả từ tháng 1-5/2011) và chưa trả tiền lãi chậm nộp từ năm 2011-2014.
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Kon Tum, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản, cử cán bộ trực tiếp đến yêu cầu trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa trả, rõ ràng là họ đang chiếm dụng vốn.
Tình trạng này đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng mà phần lớn đều ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác BV&PTR.
Trước tình hình trên, Quỹ đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung thanh toán bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng và lãi chậm nộp để các doanh nghiệp thủy điện có kinh phí chi trả. Riêng đối với Công ty CP Tấn Phát, Quỹ sẽ có buổi làm việc, báo cáo UBND tỉnh Kon Tum.
Trước đó, tháng 2/2018, Sở Công thương Kon Tum đã có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực miền Trung đề nghị giải quyết theo tinh thần nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
THIÊN ĐỨC