Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Những năm qua, tỉnh Kiên Giang nhờ phát huy tốt tinh thần thi đua Ái Quốc, thông qua các phong trào thi đua do Trung ương và tỉnh phát động, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt phấn đấu đưa tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình, kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các các lĩnh vực; đời sống của đại đa số người dân trong tỉnh đã được cải thiện và nâng lên; trong đó công tác an sinh xã hội được các cấp ủy, chính quyền chú trọng; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và Nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ, góp phần giảm hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2023 còn 1,28%.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm giúp cho những người yếu thế, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống có được điều kiện sống ổn định hơn, thêm niềm tin và động lực thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Theo đó, trong thời gian qua, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã triển khai các hoạt động nhằm huy động, vận động các nguồn lực và thông qua các chương trình như: Tết sum vầy, Tết nhân ái, Tết Quân - Dân, Xuân biên phòng…; Riêng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã có hàng ngàn căn nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà đồng đội”, “Mái ấm công đoàn”, “Nhà tình thương”..., được cất mới, sửa chữa cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Gần đây nhất, là Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 19/3/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/01/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, xác định mục tiêu đến năm 2030 “tỉnh không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở” và “quyết tâm xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Đáng phấn khởi là, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã không còn gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở; Đối với hộ nghèo, theo kết quả khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, còn có 1.624 hộ/5.990 hộ nghèo toàn tỉnh cần hỗ trợ về nhà ở.
Phó Chủ tịch Nguyễn Lưu Trung cho hay: Việc phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, là nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 19/3/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, với những mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025, sẽ huy động, vận động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.624 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở theo kết quả khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Đến hết năm 2030 huy động, vận động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng là hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
"Với những mục tiêu nhân văn sâu sắc trên, tôi tin tưởng rằng Phong trào Thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và các mạnh thường quân", ông Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Lưu Trung đề nghị, các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua xoá nhà tạm, nhà dột nát; kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình, các mô hình điển hình trên các phương tiện truyền thông, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cần tiếp tục phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng mạnh mẽ vươn lên, chăm lo lao động để gia đình thoát nghèo bền vững.
Tại lễ phát động, các đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân ủng hộ kinh phí hơn 43 tỷ đồng, tương đương với 780 căn nhà. Từ nguồn kinh phí ủng hộ, Ban vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh quyết định phân bổ cho 13 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, có số lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ.