Vậy nên, để hạn chế những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh, ngành Y tế Khánh Sơn đã phối hợp với các già làng, y tá thôn bản đến tận nhà lấy mẫu kiểm tra, vận động người dân thay đổi nhận thức, chủ động ứng phó với dịch bệnh...
Hiểm nguy vì tự dùng thuốcĐược các bác sĩ điều trị kịp thời cho khỏi bệnh, nhưng anh Cao Toàn (người Raglai) ở thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc) vẫn còn giật thót mỗi lần nhớ lại lúc mình phát bệnh thủy đậu. Thường xuyên đi làm rẫy nên khi thấy xuất hiện hàng trăm nốt đỏ trên người, Cao Toàn nghĩ mình bị muỗi đốt, tự lấy nước lá xoa lên. Càng xoa lại càng nặng thêm, thấy nhức mỏi toàn thân, lên cơn sốt, các nốt trên người rộp nước vỡ ra, đầu đau cả ngày. Vẫn tiếp tục uống thuốc lá không khỏi nên anh Toàn đến cơ sở y tế thì biết mình bị thủy đậu chứ không phải muỗi đốt. Do không đảm bảo vệ sinh nên anh Cao Toàn bị nhiễm trùng nốt thủy đậu. Các bác sĩ cho biết, nếu anh không đến điều trị mà cứ tự thoa các thứ lá cây còn có thể gây nhiều biến chứng khác như; viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết…
Anh Toàn cho biết: Xưa nay ở nhiều buôn làng của người Raglai vẫn có thói quen tự chữa bệnh ở nhà bằng các bài thuốc người này chỉ cho người kia. Từ ngày được điều trị kịp thời khỏi bệnh, Cao Toàn đã khuyên nhiều người trong thôn buôn đến các cơ sở y tế khi bị bệnh.
Cuối năm 2017, ông Cao Bành ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc) thấy cháu mình mọc nhiều mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối lại nghĩ là do đi lội suối nên dị ứng. Theo thói quen, ông Bành đi bứt lá cây về nấu nước dội lên người cháu nhưng càng ngày càng sốt cao, thở khò khè rồi nằm lịm đi, không chịu chơi như những ngày bình thường. Lúc này, ông Bành đưa cháu đến cơ sở y tế mới biết bị mắc bệnh tay chân miệng.
Theo Trung tâm y tế huyện Khánh Sơn, riêng trong năm 2017 trên địa bàn có 371 ca tiêu chảy, 5 ca sốt xuất huyết, 75 ca thủy đậu, 1.781 ca cúm và 201 ca tay chân miệng. Ở vùng núi, thời tiết thất thường nên bệnh tay chân miệng thường xuất hiện, nếu người dân chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với con em mình và lây lan sang người khác. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường thì tìm đến trạm y tế ngay.
Linh hoạt các biện pháp chống dịchHết quý I/2018, huyện Khánh Sơn có 4 ca mắc bệnh tay chân miệng, 3 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca thủy đậu, 104 ca tiêu chảy, 580 ca cúm. Để hạn chế tối đa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Khánh Sơn áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt như, lập các đội y tế cơ động, tuyên truyền cách nhận biết và phòng chống dịch, bệnh đến tận các thôn buôn trên địa bàn toàn huyện. Ở một số xã có số ca mắc tay chân miệng cao như xã Ba Cụm Bắc, các nhân viên y tế phải đến tận thôn, buôn giám sát từng nhà. Khi phát hiện bất kể ai có dấu hiệu bệnh dịch là lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm ngay. Vừa giám sát tại nhà, vừa vận động người dân phải nhanh chóng thay đổi thói quen cũ, không tự ý dùng các bài thuốc theo thói quen nữa.
Các trạm y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các trường học để tuyên truyền đến từng học sinh cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh. Tham gia nhiều chương trình ngoại khóa về tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Em Cao Thị Na, học sinh lớp 5, trường tiểu học và THCS Thành Sơn cho biết: các bạn ở lớp nhỏ không nắm bắt kịp thì những anh chị lớp lớn như chúng em hướng dẫn lại. Trước kia ngay cả học sinh lớp 5 như chúng em cũng không biết bệnh tay chân miệng là gì, không biết cảm cúm, không biết cách vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe, nhưng đến nay, được các nhân viên y tế và thầy cô giáo tuyên truyền hướng dẫn liên tục nên chúng em biết nhiều rồi.
Già làng Cao Văn Thì ở xã Sơn Lâm đề xuất thêm sáng kiến: Ngành Y tế địa phương cần phối hợp với các thôn, buôn thỉnh thoảng tổ chức các cuộc thi về kiến thức về phòng chống các loại dịch bệnh thông thường, qua đó khích lệ người dân hăng hái hơn trong việc phòng chống dịch, vệ sinh môi trường cộng đồng. Hiện nay, thời điểm tuyên truyền phòng chống dịch tốt nhất cho người dân ở Khánh Sơn là buổi trưa, buổi tối bởi đó là lúc mọi người ở nhà đông đủ nhất.
ĐÔNG HƯNG