Cụ thể, ngày 28/5, tại cánh đồng thôn Trung Đông, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, xuất hiện 6 đối tượng xăm trổ mang theo hung khí đi trên 2 xe máy dọa nạt không cho ông Vũ Ngọc Tấn đưa máy gặt xuống đồng gặt lúa cho bà con. Chúng yêu cầu ông Tấn phải chi 5 triệu đồng mới được xuống gặt lúa.
Nghiêm trọng hơn, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Trong mấy năm trở lại đây, trên địa bàn một số huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương cũng đã xảy ra tình trạng côn đồ về quê “bảo kê” máy gặt lúa.
Người nông dân Việt Nam vốn đã phải chịu nhiều vất vả, 1 nắng 2 sương mới làm ra được hạt gạo. Trong thời kỳ biến đối khí hậu, thiên tai như: bão, lũ, dịch bệnh đã khiến cho nông dân càng thêm khó khăn. Đã vậy, đến khi cây lúa được thu hoạch, họ lại phải chịu thêm cả “nhân” tai, khi một nhóm các đối tượng xăm xổ hằm hằm sát khí đến đe dọa.
Hành động này không thể chấp nhận được thì đã rõ, nhưng điều cần bàn là làm sao để chấm dứt được thói bạo lực này. Đối với người nông dân, không thể tuyên truyền, vận động họ đứng ra đấu tranh chống lại một nhóm côn đồ với rất nhiều vũ khí như dao, mác, gậy, gộc… Rõ ràng trách nhiệm này thuộc về Nhà nước, mà cụ thể là lực lượng công an.
Thiết nghĩ, công an Thanh Hóa cần phải mạnh tay hơn trong trấn áp tội phạm; có các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ người dân đồng thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng phạm tội làm bài học răn đe. Điều này, lẽ ra phải làm từ khi hành vi này mới manh nha. Nhưng bây giờ cũng chưa phải là quá muộn.
Qua sự việc này cũng có thể thấy, những đối tượng vô công rồi nghề, lưu manh vẫn đang còn tồn tại và xuất hiện trong xã hội. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp cứng rắn, chúng ta cần có sự giáo dục tốt trong mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng để hạn chế bớt những phần tử xấu trong xã hội.
KẺ SĨ