Bác bỏ ngay đề xuất khi không phù hợp
Từ nhiều năm nay, sâm Ngọc Linh là loài cây cho giá trị kinh tế rất cao và bền vững đối với người dân các xã vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để tạo động lực phát triển cho vùng trồng cây “quốc bảo” này, ngày 26/10/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My.
Sau khi xem xét cẩn trọng, ngày 16/11/2020, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời, chính thức bác bỏ đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam. Bộ NN&PTNT khẳng định, khu vực miền tây tỉnh Quảng Nam có nền địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề, có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển mục đích sử dụng rừng, để thực hiện các dự án khu vực miền núi đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên.
Vì những lý do trên, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cân nhắc, cẩn trọng trong đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Đặc biệt, đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên khu vực miền núi của địa phương.
Cũng trong ngày 16/11/2020, Bộ NN&PTNT cũng đã bác bỏ đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, để thực hiện các dự án kinh tế của tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Bình. Nguyên nhân là do các dự án đều “phạm” vào một diện tích lớn đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cụ thể, ở Bình Thuận, Bộ NN&PTNT không đồng ý với Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 khi dự án được thực hiện trên quy mô 45,41 ha; trong đó có 28,52 ha rừng tự nhiên (gồm: 23,61 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,91 ha quy hoạch rừng sản xuất). Còn ở Ninh Bình, dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2, nhà máy xi măng Duyên Hà cũng không được chấp thuận, do sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.
Tránh trục lợi chính sách
Quan điểm không thể vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường được các đại biểu Quốc hội đưa ra khá gay gắt tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trước đề xuất cho UBND cấp tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng để làm dự án, không phải trình Thủ tướng chấp thuận. Đặc biệt là, trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế diễn ra sáng 27/10/2021.
Theo dự thảo quy định thì HĐND tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha.
Theo dự thảo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước thì có 2 vùng bị giảm diện tích đất rừng phòng hộ là Bắc Trung Bộ, Duyên hải Miền Trung (giảm 30.400 ha so với năm 2020) và vùng Đông Nam Bộ (giảm 5.540 ha). Trong khi, đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hàng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về kinh tế, môi trường, xã hội có tính liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn. Theo bà Anh, tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh dẫn số liệu cho thấy Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh có diện tích rừng rất lớn, tỷ lệ che phủ rừng của Thanh Hóa là 53,46%, Nghệ An là 58,50%, cao hơn độ che phủ rừng bình quân cả nước hiện là 42%. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường, là môi trường sống của hàng triệu đồng bào.
“Tôi xin nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương quan tâm đến quản lý đất đai trong các dự thảo Nghị quyết về trao thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên và đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ”, bà Anh nói.
Lo ngại của ĐBQH là hoàn toàn có cơ sở, bởi thời gian qua, dù đúng thẩm quyền hay không thì ở một số địa phương, cấp tỉnh vẫn quyết “khai tử” nhiều diện tích rừng để triển khai các dự án kinh tế. Kinh tế chưa thấy rõ, còn hệ quả do mất rừng thì đã hiển hiện.
Đơn cử như tại Nghệ An, theo thống kê, từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đến nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua 5 Nghị quyết liên quan đến nội dung thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để triển khai các dự án đầu tư, xây dựng. Theo đó, 47 công trình, dự án được thông qua, kéo theo đó là hơn 363,3ha đất rừng trồng bị “xóa sổ”. Trong năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh này cũng đã tiến hành rà soát, lập danh sách để chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 76,6ha rừng phục vụ cho 8 dự án sẽ triển khai trên địa bàn.
Trên thực tế, xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất không chỉ tạo thêm “cú hích” cho sự phát triển của địa phương mà còn cho vùng và cả nước. Tuy nhiên, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà địa phương lạm dụng. Phải xác định rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án kinh tế được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện khi không còn phương án lựa chọn nào khác.