Bỗng dưng… quy hoạch
Đó là tình cảnh của hàng trăm hộ dân ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hàng ngàn ha đất rừng đã được giao cho dân, được cấp sổ hẳn hoi, thậm chí có gia đình được cấp đất rừng và ổn định sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước, thế mà năm 2007, đất ấy lại được quy hoạch rừng phòng hộ, mà bà con không ai hay biết, cũng chẳng được bồi thường.
Bà Trần Thị Trung ở xóm 4, xã Quỳnh Tân nói trong bức xúc: Bố mẹ tôi đến khai hoang lập nghiệp ở đây từ năm 1960. Đất đai đã được cấp sổ hẳn hoi, thế mà năm 2007, vùng này được quy hoạch thành rừng phòng hộ, và chúng tôi không hề hay biết gì. Nhà tôi thường bị ngập lụt mỗi khi hồ Vực Mấu tích nước, chúng tôi muốn dời nhà lên chỗ cao hơn, thì Ban quản lý rừng phòng hộ cản; muốn dựng cái lán để sơ tán đồ đạc khi bị ngập lụt cũng không xong. “Chúng tôi đến đây từ khi chưa có rừng phòng hộ kia mà, sao vô lí vậy”, bà Trung bức xúc, nói.
Giống như nhà bà Trung, ông Đậu Ngọc Cần cũng bực bội trình bày: Gia đình tôi nhận hàng chục ha đất rừng theo Nghị định 02/1994 từ năm 1996, được chính quyền cấp lâm bạ với thời hạn lên đến 50 năm. Đến năm 2006, tôi cùng với 24 hộ dân di dời cách chỗ cũ 500 mét theo chủ trương giãn dân của tỉnh. Năm 2007, đất đai nhà tôi và nhiều gia đình khác bị quy hoạch thành rừng phòng hộ. Cũng như bà Trung, ông Cần cũng không hề biết, đất nhà mình đã bị quy hoạch. Cho đến khi ông sửa sang nhà cửa, bị cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đến đình chỉ, thì mới biết đây đã là rừng phòng hộ. “Nhà mình xây, cây mình trồng, thế nhưng muốn sửa nhà hay chặt cây đều phải xin phép Ban quản lý rừng phòng hộ. Chúng tôi khổ thế đấy”, ông Cần than vãn.
Không chỉ có bà Trung, ông Cần mà ở xã Quỳnh Tân, đang có hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh tương tự. Đó là chưa kể hàng trăm gia đình có đất rừng được cấp từ vài chục năm về trước cũng đang bị “kẹt cứng” vì quy định về rừng phòng hộ. Theo đó, phải có phương án thiết kế, được sự cho phép của cơ quan chức năng mới được khai thác…
Điều nghịch lý là, quy định là thế nhưng dân không tuân thủ, bởi họ cho rằng họ được giao đất từ trước khi quy hoạch rừng phòng hộ. Dù đã có nhiều biên bản được lập, nhưng bà con vẫn cứ mạnh ai nấy khai thác, trồng mới.
Chính ông Trần Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An cũng phải thừa nhận: BQL Rừng phòng đã lập biên bản, gửi hồ sơ đề nghị Hạt kiểm lâm xử lý, nhưng không thể xử phạt do đất chưa được thu hồi.
Cần xử lý thấu tình, đạt lý
Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An – ông Trần Văn Sơn, cho biết: Trước khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, cơ quan có thẩm quyền đã không đền bù để thu hồi đất đã giao cho dân. Cũng theo ông Sơn, trong gần 5000 ha quy hoạch rừng phòng hộ, thì có đến 2000 ha đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu đất theo Nghị định 163, giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02, giao đất theo Quyết định 184 cho dân, nhưng chưa được thu hồi. Trong lúc đó, đến nay Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được đóng mốc ranh giới trên thực địa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho rằng: Việc quy hoạch rừng phòng hộ thực hiện không phù hợp, vì đất rừng trước đó đã được giao cho dân. Ban Quản lý rừng phòng hộ thực ra chỉ đang quản lý rừng trên danh nghĩa. Do vậy, Ban này xử lý người dân về hành vi phá rừng là không đúng thực tế, vì đất rừng đã giao cho dân mà chưa được thu hồi.
“Cần phải rà soát, xem xét lại diện tích nào cần thiết cho phòng hộ thì đền bù cho người dân để thu hồi đất, còn những diện tích nào không cần thiết thì đưa ra khỏi quy hoạch phòng hộ để tránh chồng chéo” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh nêu quan điểm.