Ngân Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nằm ở vùng cao phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên trên 64 nghìn ha, với 7 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, tỷ lệ người DTTS chiếm trên 95%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, kinh tế -xã hội của huyện Ngân Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Ngân Sơn vẫn là huyện có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Thế nhưng những năm gần đây, bộ mặt nông thôn tại huyện Ngân Sơn đã có những đổi thay lớn, đời sống người dân dần no đủ. Có được kết quả trên là nhờ địa phương đã chuyển đổi cây trồng, chuyển sang trồng cây đào ăn quả.
Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, nhiều năm qua, người dân huyện Ngân Sơn chú trọng phát triển cây đào thành sản phẩm hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Vị đào Ngân Sơn có sự khác biệt, chua chua, giòn, ngọt, dóc hạt và có hương thơm đặc trưng, khi chín có những đốm đỏ bắt mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Người dân trồng đào theo hai hình thức vừa để bán cây, vừa bán quả. Vài năm trở lại đây, giao thông thuận lợi, việc tiêu thụ dễ dàng hơn, vì vậy diện tích trồng đào ngày càng được mở rộng.
Khu vực Đèo Gió thường có khí hậu mát mẻ vào mùa Hè, mùa Đông thì hay có sương mù, mưa phùn và nhiệt độ thường thấp hơn so với các nơi ở vùng thấp từ 2 - 3 độ C nên cây đào trồng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Nhiều năm trở lại đây, các hộ dân của thôn sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua thôn Đèo Gió đã chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư, trồng và chăm sóc đào để bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hộ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật tạo cành đào, cây đào thế đẹp bán được giá mang lại nguồn thu cả chục triệu đồng mỗi vụ.
Hằng năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán hơn một tháng, người dân bắt đầu bán những gốc đào to, đẹp, có tuổi đời trên 5 năm cho các thương lái tại các tỉnh miền xuôi. Còn đào cành chơi Tết sẽ được người dân bán từ đầu tháng 12 âm lịch, nhộn nhịp, sôi nổi nhất là từ mùng 10 đến 25 âm lịch. Đào trồng được hơn 10 năm tuổi thường được bán với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Còn những gốc trồng từ 1 - 2 năm tuổi có giá khoảng 300.000 - 800.000 đồng/gốc.
Đào đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân huyện Ngân Sơn. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng vào dịp Tết. Đến nay, tổng diện tích trồng đào trên địa bàn huyện đã đạt hơn 36ha. Vụ đào năm 2023 được thu hoạch với diện tích khoảng 15ha, năng suất 48 tạ/ha; sản lượng 700 tấn; giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg.
Vườn đào của chị Trịnh Thị Hóa ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn đã trồng được hơn chục năm nay, cho thu hoạch giá trị kinh tế cao hơn cây trồng khác. Với 600 gốc đào, có năm gia đình chị thu được hơn 60 triệu đồng. Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị đã bán hơn 3 tấn quả, tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh.
Chị Hoa cho biết: Trồng đào không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm bón phân 2 lần, nhưng quả đào rất dễ bị sâu, nứt, rụng. Vì vậy người dân mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm phát triển cây đào.
Thị trấn Nà Phặc có diện tích trồng đào hơn 15ha, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Với hiệu quả kinh tế mà cây đào mang lại, Nà Pặc đã vận động bà con nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ nhân giống và kỹ thuật để quả đào khi chín không bị sâu, rụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Được thành lập vào tháng 9/2022, với 11 thành viên, Hợp tác xã đào tiên Pác Ả là một trong những đơn vị đã mạnh dạn chọn đào làm sản phẩm chủ lực để làm thương mại. Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay HTX có 10ha đào cho thu hoạch, trồng mới khoảng 20ha. HTX đang tìm hiểu một số quy trình để chế biến quả đào như trà đào, đào sấy dẻo, rượu đào… Bên cạnh đó, HTX Pác Ả còn tập trung phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào. Mọi năm quả đào thường có giá khoảng 30.000 đồng/kg, năm nay do chăm sóc tốt, chất lượng quả to đều, mẫu mã đẹp, nên giá bán đạt 50.000 đồng/kg.
Để nâng cao giá trị quả đào, huyện Ngân Sơn tổ chức cho các HTX đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời gian tới, huyện định hướng các HTX phát triển thêm những sản phẩm như: Trà đào, rượu đào, đào sấy dẻo...Đặc biệt huyện tập trung chuẩn bị cho Lễ hội hoa đào năm 2023. Đây sẽ là điểm nhấn giúp nâng tầm giá trị cây đào Ngân Sơn, đồng thời góp phần phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm của địa phương. Đồng thời, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành kế hoạch bảo tồn hơn 20ha đào ta đã trồng từ nhiều năm trước và sẽ nhân rộng để người dân mở rộng diện tích.
Theo ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn: Hiện nay, huyện đang phối hợp với Viện Rau quả Trung ương để phục tráng, bảo tồn giống đào. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận cây đầu dòng, là cơ sở để Ngân Sơn bảo tồn giống đào. Theo Đề án bảo tồn, huyện sẽ phát triển thêm 13ha đào, tập trung tại thị trấn Nà Phặc và các xã Vân Tùng, Đức Vân.
Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng được địa phương chú trọng quan tâm. Để cây đào Ngân Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa mang tính bền vững, theo ông Phạm Ngọc Thịnh, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật như cắt tỉa cành, xử lý bệnh trên cây đào, nâng cao chất lượng quả; xây dựng sản phẩm đào thành sản phẩm OCOP của địa phương; liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để hướng tới chế biến sâu thành các sản phẩm như đào sấy dẻo, si rô đào…