Sau gần 3 năm khởi nghiệp, các thành viên của HTX Chè xanh Long Hiệp vẫn còn nhiều trăn trở. Khát vọng đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở ngay trên địa bàn toàn tỉnh... vẫn chưa trở thành hiện thực. Anh Đinh Văn Khó - Giám đốc HTX cho hay: Chúng tôi lên ý tưởng về việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, đầu tư một xưởng sơ chế chè xanh... để cây chè xanh quê hương có cơ hội được vào siêu thị, nâng cao giá bán. Nhưng từ vốn cho đến kiến thức, kỹ năng để thực hiện những điều này, chúng tôi vẫn còn yếu và thiếu, chưa biết phải bắt đầu từ đâu...
Đối với mô hình khởi nghiệp, với sản phẩm thổ cẩm của Phạm Thị Y Hòa được xem là ổn định về đầu ra. Tuy nhiên, để phát triển lớn mạnh thì vẫn còn nhiều khó khăn như nguyên liệu, vốn và truyền dạy nghề cho những người trẻ.
“Về đầu ra thì tôi không phải lo vì khách hàng yêu thích sử dụng sản phẩm cũng tương đối ổn, nhưng hiện nay, để duy trì sản xuất lâu dài và mở rộng thị trường thì cần phải có những người biết dệt. Muốn người trẻ học nghề lại phải bảo đảm việc làm và thu nhập cho họ. Trong khi, cơ sở của tôi còn nhỏ, muốn mở rộng cần nhiều vốn, không biết xoay sở như thế nào”, chị Hòa bộc bạch.
Theo ông Trần Văn Mẫn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, nhiều HTX, hộ gia đình đã tự phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình khởi nghiệp đều có quy mô nhỏ. Các chủ thể còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là trong thu hút, kết nối các nguồn lực để phát triển bền vững.
Việc hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi là một nội dung quan trọng trong Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
“Trong thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp cùng các địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp liên kết với những doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn để tạo thành những chuỗi sản xuất có hiệu quả. Cùng với đó, là tăng cường giới thiệu, kết nối và lan tỏa các sản phẩm khởi nghiệp đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp từng bước phát triển mô hình bền vững hơn, quy mô hơn”, ông Mẫn chia sẻ thêm.
Nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, các mô hình khởi nghiệp tạo được việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc các xã khu vực III; các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia đều nằm trong danh mục được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ.
Bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối cá nhân, tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của Hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chủ thể khi được lựa chọn hỗ trợ sẽ được cấp một phần kinh phí để phát triển. Trong đó, hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường (không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo). Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ (không quá 30 triệu đồng/hợp đồng). Đặc biệt, hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm với tối đa 150 triệu đồng/mô hình...
Ngoài ra, để kết nối thanh niên miền núi khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cũng đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh, với 30 thành viên. Sự ra đời của Câu lạc bộ tạo môi trường sinh hoạt, giao lưu, kết nối, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương của vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Đây là một câu lạc bộ tập hợp và giúp đỡ nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS và miền núi phát huy sức trẻ, sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Thúc đẩy thanh niên vùng DTTS khó khăn khởi nghiệp là một trong những việc cần làm, để biến những lợi thế, tiềm năng của các địa phương thành cơ hội phát triển, mang lại miếng cơm, manh áo để cuộc sống của người dân ngày càng tươi đẹp hơn. Hiện nay, việc khởi nghiệp cần sự nỗ lực của chính bản thân thanh niên nhưng cũng rất cần sự đồng hành của hệ thống chính trị, bà con, các doanh nghiệp đi trước để tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp thành công.
“Với sự đồng hành của chính quyền và tinh thần tự vươn lên của các bạn trẻ. Tôi tin rằng, các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, bền vững sẽ được lan tỏa, tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.