Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Bình Thuận hiện đạt 43,08%. (Trong ảnh: Một góc đèo Đa Mi trên tuyến Quốc lộ %% từ Bình Thuận đi Lâm Đồng)Tích cực giao khoán bảo vệ rừng
Thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ nhưng Bình Thuận là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Diện tích rừng và đất rừng ở Bình Thuận phân bố chủ yếu ở các huyện: Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình,... Đây cũng là những địa bàn có đông đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống.
Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận hiện có trên 104 nghìn nhân khẩu là người DTTS, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Một bộ phận lớn đồng bào DTTS của tỉnh sống gần rừng và có thu nhập chủ yếu từ kinh tế rừng. Nhiều năm nay, tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS, góp phần quan trọng để giữ rừng, đồng thời tăng sinh kế cho người dân.
Từ năm 2022 đến nay, triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có thêm nguồn thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng. Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Thuận, trong 3 năm (2022-2024), toàn tỉnh có 2.221 hộ nhận khoán bảo vệ 66.147,48ha; gần 50,819 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719 đã được giải ngân cho các hộ nhận khoán.
Cùng với vốn Chương trình MTQG 1719, chính sách khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS cũng được triển khai theo Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022 của HĐND tỉnh Bình Thuận. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thực hiện Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND, hàng chục nghìn ha rừng đã được bảo vệ từ việc giao khoán cho đồng bào DTTS.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Thuận cuộc khảo sát chính sách khoán bảo vệ rừng tại xã Phan Dũng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong ngày 14/5/2025. (Ảnh: M.Vân) Trong đó, năm 2022, toàn tỉnh đã giao khoán hơn 15.856ha rừng cho 826 hộ đồng bào DTTS (kinh phí thực hiện hơn 5,46 tỷ đồng); năm 2023 giao khoán hơn 49.724ha cho 1.665 hộ, với kinh phí gần 15,42 tỷ đồng; năm 2024 giao khoán hơn 49.724ha cho 1.665 hộ, kinh phí trên 16,05 tỷ triệu đồng.
Với việc tích cực giao khoán bảo vệ rừng, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Bình Thuận đã tăng lên trong những năm gần đây. Kết quả hiện trạng rừng toàn quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố năm 2024 cho thấy, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 342.127,58ha/794.260ha, đạt tỷ lệ che phủ 43,08%. Trước đó, năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 43,02%.
Tăng sinh kế, thúc đẩy giảm nghèo
Theo đánh giá của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bình Thuận, sau 3 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đã giúp các hộ đồng bào DTTS tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác rừng trái pháp luật trên diện tích rừng nhận khoán bảo vệ đã giảm đáng kể qua từng năm khi ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, từ đó góp phần quan trọng duy trì ổn định và nâng cao chất lượng rừng trên diện tích đã giao khoán.
Mới đây (ngày 14/5/2025), Ban Dân tộc thuộc HĐND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc khảo sát kết quả thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng tại xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong. Theo thống kê, toàn xã có 135 hộ đồng bào dân tộc Raglai tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, với diện tích trên 4.000ha thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong.
Báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong cho thấy, qua giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật trong diện tích nhận khoán giảm đáng kể. Đa số các hộ nhận khoán đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Cùng với đó, chính sách khoán bảo vệ rừng góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại địa phương, từng bước giải quyết khó khăn cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Phan Dũng.
Chính sách khoán bảo vệ rừng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào DTTS tỉnh Bình ThuậnĐược biết, Phan Dũng là xã thuần đồng bào dân tộc Raglai; ngoài ra có một số ít đồng bào Kinh, Tày, Mường và dân tộc Chăm cùng sinh sống. Toàn xã có 240 hộ/1.014 khẩu, trong đó khoảng 95% hộ dân sản xuất nông, lâm nghiệp.
Với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và giao khoán bảo vệ rừng, đời sống của người dân Phan Dũng đã được nâng lên một bước. Năm 2024, toàn xã có 41,6% hộ có kinh tế khá và trung bình; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
Cũng như Phan Dũng, các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Thuận đã và đang khởi sắc trên nhiều phương diện, nhất là về thu nhập và giảm nghèo. Hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020; trong đó tại 17 xã thuần đồng bào DTTS của tỉnh đạt bình quân 43,6 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS của tỉnh cũng giảm mạnh. Tính đến ngày 31/12/2024, Bình Thuận có 1.446 hộ nghèo người DTTS, chiếm 5,56% trong tổng số hộ DTTS toàn tỉnh, giảm 591 hộ so với đầu năm. So với đầu năm thì cuối năm 2024, toàn tỉnh cũng giảm 625 hộ cận nghèo người DTTS, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo người DTTS xuống còn 8,47% trong tổng số hộ DTTS toàn tỉnh.
Những kết quả trong giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS là động lực để tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới, trong đó có chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Tỉnh cũng sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện chính sách này khi một số vướng mắc trong triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình MTQG 1719 đã được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.