Diễn đàn Mekong Start-up 2022 là cơ hội cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước, quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và kết nối, hợp tác vì một cộng đồng năng động, sáng tạo, thịnh vượng và phát triển; chủ đề của Diễn đàn lần này rất phù hợp với xu thế chung của thế giới và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết, kinh nghiệm quý báu, trách nhiệm, thiết thực của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt là cơ chế, phương thức kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển, quảng bá, tạo cơ hội tiếp cận cho các sản phẩm, dự án từ hoạt động start-up của tỉnh Đồng Tháp và khu vực ĐBSCL.
Đánh giá Diễn đàn thể hiện quyết tâm, sáng tạo của lãnh đạo, cộng đồng DN tỉnh Đồng Thào, dù chưa có nhiều đại diện DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (start-up), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng không khí, tinh thần start-up tiếp tục được bồi đắp, thực sự đúng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp ở vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có dân số đứng thứ 15 thế giới, nhưng thu nhập GDP bình quân đầu người năm vừa rồi đứng thứ 126 thế giới, là nước thu nhập trung bình thấp, trong khi thế giới có 38 nước phát triển (các nước OECD), 58 nước có thu nhập trung bình cao.
Vì vậy, tất cả các chỉ số phát triển của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số nào từ thứ 70 trở xuống là đáng khen, thứ dưới 50 là rất tốt (giáo dục phổ thông, đổi mới sáng tạo). Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu thuộc top 10 trên thế giới (tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ, cao su, gạo, chè, điều, hạt tiêu…).
Là một nước còn nghèo nhưng Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm với thế giới khi cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dù nhiều nước phát triển chưa cam kết, dù biến đổi khí hậu do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp. Việt Nam cũng rất tích cực tham gia và cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, được đánh giá rất cao, cùng vì mục tiêu chung là giữ cho hành tinh xanh; góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới trong khả năng có thể.
Phó Thủ tướng chia sẻ, mới đây, tại Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XIII) ông được phân công trình bày tóm tắt nội dung Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp, quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đó là trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại.
Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong hơn 30 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, nhất là trong hai năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu; chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn.
"Những mục tiêu đặt ra là rất cao, rất khó phấn đấu nhưng không phải là duy ý chí, vì chúng ta vẫn còn dư địa", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Để đạt được những mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải khơi dậy khát vọng trong tất cả mọi người làm sao để đất nước không thể nghèo mãi, như khát vọng "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là khát vọng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"…
"Không ai nghĩ Đồng Tháp sẽ tổ chức một diễn đàn về start-up, dù có những điều chưa được như ý nhưng trước hết phải có mong muốn, khát vọng", Phó Thủ tướng nói và tin tưởng "không chỉ Đồng Tháp, mà các tỉnh ĐBSCL sẽ tiếp tục tổ chức những sự kiện gặp gỡ, trao đổi, kết nối với cộng đồng start-up".
Bên cạnh khát vọng, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Nếu làm như các nước thì chắc chắn không được mà chúng ta phải làm cách khác, rất sáng tạo dựa trên những lợi thế riêng có, tham khảo kinh nghiệm, theo xu thế thế giới. Ví dụ, ngay cách tổ chức một diễn đàn start-up của Đồng Tháp cũng rất sáng tạo khi có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, DN.
Nhắc lại nhiều "bài toán" về nông nghiệp bền vững được nêu ra tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng đây là "dư địa" cho cộng đồng start-up nếu có sự ủng hộ, khuyến khích, cổ vũ cho các ý tưởng sáng tạo, khác biệt, thậm chí kỳ lạ. Đây là sự hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng start-up. Cùng với đó là cần tạo điều kiện tiếp cận thị trường ban đầu cho các start-up.
Trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch, tuần hoàn là đúng đắn nhưng các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể; tổ chức thường xuyên các sự kiện dành cho cộng đồng DN, trong đó có các start-up, để giải các "bài toán", cũng như lan toả khát vọng, tinh thần khởi nghiệp với cách làm mới, bền vững, bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sử dụng của đất nông nghiệp,…
"Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội để vùng ĐBSCL khai phá được hết tiềm năng, hoàn thành được sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước", Phó Thủ tướng nói và mong muốn "không chỉ nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý, DN mà giữa các địa phương vùng ĐBSCL, xa hơn là Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ tiếp tục đồng hành", để cùng phát triển nhanh, bền vững.