Trong đó, có 42 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ (chứng chỉ A, B, C) bao gồm 4 trường ĐH, 1 trường CĐ, còn lại là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương. Ngoài ra, 7 đơn vị khác phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về cơ bản dư luận rất đồng tình, ủng hộ quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi lẽ trên thực tế, thời gian vừa qua, nhiều trung tâm cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mọc lên như nấm sau mưa, nhưng chất lượng lại rất èo uột. Có rất nhiều trung tâm cấp chứng chỉ theo kiểu 3 không 1 có. Nghĩa là không cần học, không cần ôn thi, không lo kết quả. Song quan trọng nhất là cần phải có tiền.
Vì vậy, việc siết chặt hoạt động của việc cấp chứng chỉ là điều đương nhiên. Thế nhưng, một điều đáng quan tâm hơn là cùng với việc “khai tử” số lượng trung tâm cấp chứng chỉ này có đồng nghĩa với việc nâng cao trình độ thực chất của người được cấp chứng chỉ.
Xét ở góc độ quản lý, việc kiểm soát chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức thông qua hệ thống bằng cấp là điều dễ hiểu và cũng dễ làm. Thế nhưng, điều gì dễ làm thì có nghĩa cũng là khó thực chất. Trong xã hội, có rất nhiều người đẩy đủ bằng cấp nhưng lại không có khả năng thật sự. Và rõ ràng “một chiếc áo choàng thì không làm nên một thầy tu”.
Xét cho đến cùng, mục đích của việc siết chặt các hoạt động cấp chứng chỉ phải là kiểm soát được chất lượng của đào tạo. Do đó, bên cạnh việc làm cơ học là cắt giảm số lượng trung tâm cấp chứng chỉ, ngành Giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo ở các trung tâm. Chỉ khi nào bằng cấp, chứng chỉ phản ánh đúng năng lực thực sự của người được cấp bằng, thì khi ấy việc lấy bằng cấp để đánh giá năng lực của cán bộ mới thiết thực, cần thiết.
THIÊN ĐỨC