Tham dự Lễ hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Y Thanh Hà Niê K’đăm; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; đại diện các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành tỉnh và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Huyện Krông Pắc nằm cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 30km, trải dài 37km theo Quốc lộ 26. Huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã với 35 dân tộc cùng sinh sống. Krông Pắc có địa hình tương đối bằng phẳng với hai mùa đặc trưng (mùa khô và mùa mưa), tài nguyên đất, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sầu riêng. Nơi đây hình thành vùng cây ăn trái đặc sản không chỉ của tỉnh Đắk Lắk mà còn của cả khu vực Tây Nguyên-miền Trung.
Krông Pắc còn là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với các di tích lịch sử Quốc gia như đồn điền Ca Da, Miếu thờ Ca Da; có một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người đồng bào Ê Đê, Xơ Đăng, Vân Kiều và cộng đồng các dân tộc từ nhiều tỉnh thành trên cả nước hội tụ.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện khóa XIV về phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân huyện Krông Pắc tích cực chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Riêng cây sầu riêng được trồng ở huyện Krông Pắc đã gần 100 năm. Cùng với cây trồng chủ lực cà phê, sầu riêng đang ngày càng khẳng định vị thế cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Hiện, Krông Pắc đã có gần 3.800 ha sầu riêng, trong đó 2.600 ha cho thu hoạch, năm 2021 thu nhập từ sầu riêng khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2022, với sản lượng khoảng gần 50.000 tấn, dự kiến thu nhập khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đến nay, Krông Pắc tạo lập nhiều vùng trồng sầu riêng xen canh và chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sầu riêng Krông Pắc có hương vị đặc trưng, thơm ngon hơn so với nhiều vùng trồng sầu riêng trên cả nước, thu hút rất nhiều du khách, doanh nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây thu mua và xuất khẩu. Tháng 3/2022 Cục Sỡ hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng Krông Pắc, đây là cơ hội để sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội chia sẻ: Nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của huyện giúp nông dân kết nối, liên kết, hợp tác, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu hình ảnh, con người, lịch sử, văn hoá, ẩm thực, du lịch sinh thái của huyện và đặc biệt là sản phẩm sầu riêng Krông Pắc, huyện Krông Pắc tổ chức Lễ hội Sầu Riêng Krông Pắc lần thứ nhất năm 2022.
Với chuỗi các hoạt động, sự kiện của Lễ hội sẽ mang đến cho quý đại biểu, khách quý và Nhân dân các dân tộc huyện nhà một không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày Tết Độc lập, giới thiệu đến quý khách gần xa sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị. Đặc biệt là một Krông Pắc đang vươn lên đổi mới từng ngày, một Krông Pắc với nhiều tiềm năng, lợi thế, sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hợp tác sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Tại Lễ khai mạc, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu nhấn mạnh: với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Krông Pắc thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là các loại cây ăn trái, trong đó có sầu riêng. Huyện Krông Pắc là điểm sáng về phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên của tỉnh Đắk Lắk.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng, ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây, xây dựng kinh tế xanh, tuần hoàn trong nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phát huy tiềm năng, thế mạnh để cạnh tranh với thị trường.
Tại Lễ Khai mạc, Ban Tổ chức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phát triển sầu riêng huyện Krông Pắc.