Sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất quê hương, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Nhi là một trong những hộ nghèo trong thôn. Vào những năm 1999-2000, từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với số vốn tích góp được, vợ chồng ông đã mạnh dạn trồng hơn 1ha chè Kim Tuyên trên đất đồi bỏ hoang. Sau nhiều năm chăm sóc và mở rộng, hiện nay gia đình ông Nhi đã có gần 2ha chè.
Không chỉ trồng và bán chè, gia đình ông đầu tư thêm 3 máy sao chè, bằng hình thức tự sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch. Cùng với việc xây dựng cơ sở sản xuất, ông Nhi còn đi tham khảo quy trình sản xuất của các nhà máy và những nơi khác. Đồng thời, đưa sản phẩm chè ra các thị trường khác chào hàng. Dần dần, sản phẩm và chất lượng chè búp khô do gia đình ông sản xuất được khẳng định, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Với giá bán vừa phải, dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg chè khô, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu gần 100 triệu đồng từ bán chè. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của gia đình ông hàng năm còn thuê từ 4 đến 6 nhân công lao động về hái chè, sao chè, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.
Ông Nhi cho biết: Hiện giờ, các hộ dân trong thôn, trong xã và nhiều thương lái, nhiều hộ dân ở những xã khác cũng đã tìm đến gia đình ông để mua chè khô về sử dụng, trong đó có nhiều người đến đặt mua với khối lượng lớn. Có thêm nguồn vốn, ông Nhi lại tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phù hợp với công nghệ chế biến chè các loại, mở rộng quy mô sản xuất.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo còn nhiều khó khăn, gia đình ông Trần Văn Nhi đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã. Cây chè đã trở thành cây chủ lực của gia đình.
Theo ông Trương Trung Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Quan, mô hình trồng và chế biến chè của gia đình ông Trần Văn Nhi, là một trong số các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã. Để khuyến khích các hộ dân trong xã tích cực phát triển cây chè nâng cao đời sống, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân về vốn, cây giống, kỹ thuật và máy móc; đồng thời, nắm bắt thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa của địa phương.
KHẮC ĐIỆP