Ghi nhận nhiều kết quả quan trọng
Qua báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 cho thấy, những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã bước đầu có tác động, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành PCTN, lãng phí. Tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện bởi những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%...; bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...).
Đặc biệt, thời gian gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng càng trở nên “nóng” hơn, với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra hàng loạt sai phạm liên quan đến công ty này, đã có hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố. Trong đó, có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
"Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng, của các cơ quan tư pháp trong PCTN với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã tạo được niềm tin của Nhân dân…", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trao đổi với cử tri Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, ông chia sẻ, qua thông tin trên báo đài, cũng như tại Kỳ họp Quốc hội chúng tôi đã nắm được nhiều thông tin tích cực từ việc triển khai thực hiện chống tham nhũng, lãng phí.
“So với trước đây, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được đẩy mạnh triển khai quyết liệt hơn. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, nhiều quan chức cấp cao đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh, tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước” ông Hó cho biết.
Cần sự quyết liệt, đột phá
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí còn lớn, nghiêm trọng…; nhất là cấp cơ sở, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn chưa thực sự được xử lý dứt điểm, lãng phí vẫn còn rất lớn. Vẫn còn nhiều dự án quy hoạch treo chưa được triển khai thực hiện, gây thất thoát, lãng phí đất đai, nhiều dự án quy hoạch treo từ 10 - 15 năm, đất bị bỏ hoang, trong khi người dân thì không có đất để sản xuất.
Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng cho thấy, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Rất nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 286 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì có nhiều, trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan đến thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.
Đặc biệt đối với vùng DTTS miền núi, việc triển khai các chương trình chính sách vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí lớn và nhiều bấp cập. Như việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở một cách máy móc đã và đang gây ra tình trạng thiếu và thừa, có những nơi thiếu nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhưng lại có những nơi nhà văn hóa xây xong để hoang tàn, lãng phí.
Cử tri Triệu Văn Phú, thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước đây, mỗi thôn bản đều đã xây dựng nhà văn hoá cộng đồng để sinh hoạt trong thôn. Sau khi sáp nhập thôn bản, có nhiều nhà văn hoá bị bỏ hoang, không sử dụng đến.
“Hiện nay xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, lại có quy định nhà văn hóa phải đạt chuẩn theo tiêu chí mới, các thôn lại phải xây dựng nhà văn hóa khác, dẫn đến tốn kém nguồn lực của Nhà nước và công sức của Nhân dân”, ông Phú cho biết.
Tình trạng lãng phí về nguồn lực đất đai, cơ sở hạ tầng…, không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, mà còn làm mất cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng lãng phí lớn hơn là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp...
Tại phiên thảo luận ngày 31/10 của Quốc hội, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết: Những báo cáo mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra "chỉ là phần nổi của tảng băng". Ông cho rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy, là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, gây lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.
Mặc dù, thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và để lại nhiều dấu ấn nổi bật “chưa từng có tiền lệ”, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp là “cuộc chiến” lâu dài, bền bỉ, vì thế cần tiếp tục bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc hoàn thiện pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của Nhân dân với Đảng, Chính phủ chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao.