Là người trực tiếp thụ hưởng các chính sách dân tộc, chị Triệu Mùi Lai (trú tại xóm Bản Chiếu, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng để nhiều người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện noi theo, học tập.
Nhớ về những năm tháng khó khăn, chị Lai xúc động chia sẻ, chỉ mới cách đây vài năm, gia đình chị nhiều lúc còn chẳng đủ gạo ăn. Cuộc sống cứ trôi đi trong cái đói, cái nghèo bủa vây. Nhiều đêm mất ngủ, chị Lai trăn trở về phương hướng thoát nghèo.
Nhận thấy dong riềng là cây trồng thế mạnh của địa phương, chị Lai tích cực tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng, chăm sóc thông qua mạng internet, báo đài và những người có kinh nghiệm đi trước. Đặc biệt, khi chính quyền tổ chức các lớp tập huấn, phổ cập kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chị Lai đều tích cực tham gia. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, theo thời gian chị Lai đã tự trang bị cho mình những kiến thức quý báu. Nhờ vậy, khát vọng thoát nghèo càng thôi thúc chị phải bắt tay vào hành động.
Thế rồi nhờ sự động viên, giúp đỡ của các cấp chính quyền, cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương, chị Lai được tiếp cận vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Có tiền và kinh nghiệm trong tay, chị Lai mạnh dạn đầu tư cải tạo đất, cây giống để phát triển diện tích trồng dong riềng. Qua từng năm, nhờ số vốn tích luỹ được, chị tiếp tục mua máy móc để chế biến củ dong riềng thành bột bán ra thị trường. Nhờ đó, thu nhập tăng lên đáng kể.
Chị Lai chỉ là một trong số rất nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách dân tộc tại huyện Nguyên Bình. Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệmm với cách làm sáng tạo, linh hoạt mà các chính sách đã đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư kiên cố hóa. (Trong ảnh: Đường bê tông vào xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình) Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã nỗ lực giải ngân với nhiều hạng mục. Cụ thể như: năm 2022, huyện được giao vốn trên 82,620 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư 51,890 tỷ đồng thực hiện 76 dự án, công trình hạ tầng cơ sở; vốn sự nghiệp 30,730 tỷ đồng. Năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư 83,274 tỷ đồng.
Nguyên Bình (Cao Bằng) chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Từ nguồn vốn được giao, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, phục vụ sản xuất, đời sống và hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường bán trú, thực hiện đào tạo nghề; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch.
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Dương Hiển Hòa, thông qua thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 và các chính sách dân tộc đã góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ngoài ra, kinh tế vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện có bước phát triển đáng kể, nền kinh tế đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh đảm bảo, giữ vững...