Tỉnh Đắk Lắk là một địa phương có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS cao so với cả nước. Trong đó, tỉ lệ tảo hôn và số người thuộc diện hôn nhân cận huyết thống chủ yếu rơi vào các xã vùng III; thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Thực tiễn và khoa học đã chứng minh việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em, đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Tuy nhiên, do tập tục lâu đời của nhiều DTTS nên vẫn có nhiều cặp đôi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; trên 90% cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông; giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống. Phấn đấu đến năm 2025 ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Huyện Krông Ana đã đẩy mạnh tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Nhằm kéo giảm tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, Phòng Dân tộc huyện Krông Ana thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cụ thể, trong năm 2024 Phòng Phòng Dân tộc đã cùng với các phòng ban, hội, đoàn thể và trường học tuyên truyền cho học sinh về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc còn treo pano, áp phích tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại nơi đông dân cư, có đông người qua lại; phát tời rơi tuyên truyền về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Đặc biệt, những ngày qua Phòng Dân tộc cùng với các cơ quan chuyên môn tổ chức chiếu phim lưu động về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 6 buôn đồng bào DTTS thuộc 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Mỗi buổi chiếu phim thu hút hàng trăm người dân ở mọi lứa tuổi đến xem và tham gia các hoạt động tuyên truyền. Những thước phim ngắn “Tảo hôn - Lời ru buồn”, câu chuyện của Hoa hậu Hoàn vũ năm 2017 H’Hen Niê và những chia sẻ của cán bộ Công an, đã giúp bà con hiểu thêm hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và pháp luật hôn nhân và gia đình.
Huyện Krông Ana có 7 xã và 1 thị trấn, với 72 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó, 5 xã, 1 thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS. Trong số 26 buôn đồng bào DTTS, huyện Krông Ana hiện vẫn còn 11 buôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 23,54% dân số toàn huyện.
Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana H’Ban Niê Kdăm, việc tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả nhất định. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của đồng bào các DTTS, đặc biệt người phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như ý thức chấp hành pháp luật từng bước được nâng lên. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm, nhiều buôn đồng bào DTTS không còn tình trạng tảo hôn.