Từ Đại hội…
Còn nhớ, năm 2010, trong không khí cả nước đang tưng bừng hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất đã diễn ra long trọng tại Thủ đô Hà Nội.
Với hơn 1.702 đại biểu chính thức tham dự Đại hội, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS với quy mô toàn quốc và tập hợp được đầy đủ đại biểu của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thuộc mọi tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội, các vùng, miền. Hơn 1.700 đại biểu là hơn 1.700 hạt nhân tiêu biểu, là những tấm gương sáng với nhiều thành tích trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đại hội cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế…
Mặc dù thời gian đã trôi qua gần mười năm (2010 - 2019), nhưng những hình ảnh, không khí, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người đã từng được tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất.
Gặp lại ông Bế Trường Thành, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, nguyên Phó Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2010, nguyên Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội, chúng tôi đã được ông chia sẻ rất nhiều câu chuyện xung quanh công tác tổ chức Đại hội.
“Hồi đó Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng là Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử là Trưởng Ban Tổ chức, còn tôi được giao nhiệm vụ là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức kiêm Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội. Vì đây là lần đầu tiên Đại hội Đại biểu các DTTS được tổ chức, nên Ban tổ chức chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức cho công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Trong số hàng chục hoạt động diễn ra tại Đại hội, có lẽ ấn tượng, xúc động nhất đối với tôi đó là Đêm Dạ hội tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc. Với các tiết mục nghệ thuật được tổ chức hoành tráng mang âm hưởng đặc trưng cho các giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng, miền, các dân tộc Việt Nam, Đêm Dạ hội đã tạo nên bầu không khí thân mật, đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc. Không còn khoảng cách giữa các đại biểu, những ánh mắt, nụ cười, những cái ôm đầm ấm, những cái bắt tay siết chặt, những cảm xúc đan xen… Tất cả như hoà vào dòng chảy văn hoá chung theo tiến trình lịch sử, tạo nên bản hùng ca bất tận bởi bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam”, ông Bế Trường Thành nhớ lại.
Đến Đại hội
Sau gần 10 năm kể từ khi Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam lần thứ nhất năm 2010 được tổ chức, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm từ 60% năm 2010 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010 - 2015) xuống còn 55,27% đến cuối năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới), bình quân giảm từ 4 - 5% cho cả giai đoạn từ 2011 - 2018; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,2 triệu đồng/người/năm 2010 lên khoảng 21 triệu đồng/người/năm 2018 (tăng gấp 5 lần).
Tính đến cuối tháng 11/2019, vùng miền núi dân tộc thiểu số đã có 42,7% xã đạt chuẩn NTM. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo, như: Ba Bể (Bắc Kạn); Tân Sơn (Phú Thọ); Tân Uyên (Lai Châu); Kbang, Krong Pa, La Pa (Gia Lai)... Đặc biệt, đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có trạm y tế, trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân...
Những con số biết nói nêu trên đã cho thấy, mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2010 cơ bản đã đạt được; sự nỗ lực, vươn lên của đồng bào các DTTS trên các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đã đóng góp một phần to lớn vào thành tựu chung của cả nước. Tinh thần đại đoàn kết các dân tộc luôn được thắt chặt và phát huy, niềm tin đối với Đảng, Chính phủ càng được củng cố vững chắc...
Để tiếp tục ghi nhận và biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu là người DTTS, dự kiến tháng 4/2020, Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra. Trước đó, trong năm 2019, cả nước đã có 363/458 huyện của 47/52 tỉnh tổ chức thành công Đại hội cấp huyện với trên 44 nghìn đại biểu chính thức. Cấp tỉnh có 50 tỉnh, thành phố tổ chức đại hội cấp tỉnh với tổng số hơn 10.800 đại biểu tham dự.
Đại hội DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019 đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Các Đại hội cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn tới, thông qua Quyết tâm thư, thể hiện ý chí của cấp ủy, chính quyền và niềm tin của đồng bào các DTTS nguyện một lòng theo Đảng, phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Mười năm (2010 - 2020) - Một quãng thời gian không dài cho cả một quá trình phát triển, nhưng với những người làm công tác dân tộc, đặc biệt là với đồng bào các DTTS thì mười năm là quãng thời gian đủ nhiều cho sự chờ đợi, mong ngóng đến ngày diễn ra Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020. Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước tiếp tục sẽ là địa chỉ, là ngôi nhà chung thể hiện tình đoàn kết gắn bó, yêu thương để 54 dân tộc Việt Nam hội tụ. Và chắc chắn, sẽ có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực sẽ được Đảng, Nhà nước tôn vinh, biểu dương, khen ngợi. Nhiều câu chuyện của đồng bào các dân tộc về cuộc sống, về kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, về cách làm giàu, bảo tồn bản sắc văn hóa... sẽ được các đại biểu chia sẻ, bày tỏ trong ngày hội lớn - Ngày hội của tinh thần đại đoàn kết các DTTS Việt Nam.