Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh định kỳ 5 năm một lần. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào các DTTS trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV - năm 2024 là dịp để đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu lần thứ III - năm 2019; đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2024 trên địa bàn tỉnh.
Đại hội cũng là dịp để ghi nhận, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn vừa qua; đồng thời là một trong những sự kiện tiêu biểu hướng tới chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu lần thứ III - năm 2019, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có bước phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, cùng Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ III - năm 2019, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tạo sự chuyển biến khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai rộng khắp, mang lại đời sống ấm no cho người dân, bộ mặt nông thôn vùng DTTS không ngừng đổi mới và phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% các xã có trường, lớp học kiên cố và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã, phường, thị trấn có trụ sở làm việc; 88,1 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và 55,2% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng DTTS…
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; giáo dục và đào tạo vùng dân tộc không ngừng được đổi mới, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị trong vùng DTTS không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là người DTTS tăng dần hằng năm cả về số lượng và chất lượng; truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc được phát huy; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Phóng viên: Theo ông, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong những năm qua là gì?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Từ năm 2021 đến nay, nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là một trong những nguồn lực góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của vùng DTTS nói riêng. Các chính sách an sinh xã hội khác cũng là nguồn lực giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Với nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề cấp thiết ở vùng DTTS của tỉnh, từ đó tạo nền tảng, động lực để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.
Nhận thức được ý nghĩa của Chương trình MTQG 1719 nên tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2022-2024, với tổng nguồn vốn thực hiện 1.030,878 tỷ đồng, đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ; xây dựng 04 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 171 công trình (trong đó 154 công trình cầu, đường giao thông nông thôn, 03 nhà sinh hoạt cộng đồng và 14 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng, trường học...
Từ đó, đời sống người dân vùng DTTS từng bước đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống được ưu tiên đầu tư tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng được các cấp, các ngành, địa phương triển khai hiệu quả.
Phóng viên: Sự phát triển của vùng DTTS của tỉnh có đóng góp rất quan trọng của những “đầu tàu” trong đồng bào DTTS; nhiều người đã được biểu dương, tôn vinh tại Đại hội Đại biểu lần thứ III năm 2019. Trong 5 năm qua, vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này đã được phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Trong 5 năm qua, các gương điển hình tiêu biểu như: Chức sắc tôn giáo và Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các mâu thuẫn ở địa phương; vận động đồng bào luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Phóng viên: Những thành tựu cũng như những vấn đề đặt ra ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh được đánh giá tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV - năm 2024. Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đã được tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Sau khi có Công văn số 1302/UBDT-DTTS, ngày 27/7/2023 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 23/02/2024 về lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV - năm 2024.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện tổ chức Đại hội. Tính đến 21/6, 11/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội cấp huyện, trong đó Đại hội điểm được thực hiện tại huyện Thạnh Trị.
Riêng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV - năm 2024 sẽ được diễn ra vào ngày 18/8/2024, với tổng số 370 đại biểu, trong đó 250 đại biểu chính thức và 120 đại biểu khách mời; các đại biểu sẽ viếng nghĩa trang liệt sĩ trước khi vào Đại hội.
Gắn với hoạt động Đại hội lần này, tỉnh sẽ tổ chức trưng bày các sản phẩm đặc sản của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá về những sản phẩm đặc trưng của địa phương, về tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Về công tác chuẩn bị Đại hội, tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản đã hoàn thành các nội dung có liên quan như: Báo cáo chính trị, Quyết tâm thư, các bài phát biểu, báo cáo tham luận, khen thưởng tại Đại hội….
Phóng viên: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 của tỉnh có những điểm nhấn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khởi: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 có chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Với chủ đề này, Đại hội đã đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu cơ bản cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững; quan tâm triển khai có hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!