PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS?
Ông Nguyễn Văn Khang: Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh định kỳ 5 năm 1 lần. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào các DTTS trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với tỉnh Đồng Nai, Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV - năm 2024, là dịp để đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu lần thứ III - năm 2019; đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2024 trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề ra những phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2024 - 2029.
Đại hội cũng là ngày hội lớn của đồng bào các DTTS. Là dịp để đồng bào các dân tộc bày tỏ niềm tin của đại biểu đối với Đảng, Nhà nước.
PV: Thưa ông, nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu lần thứ III - năm 2019, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có bước phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Khang: Đồng Nai có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 3,2 triệu người, trong đó đồng bào DTTS có 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh.
Đồng bào các DTTS của tỉnh có truyền thống gắn bó, đoàn kết lâu đời, không có sự phân biệt giữa các dân tộc; đồng bào sống rải rác, xen kẽ; tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Long Khánh. Mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng.
Trong 5 năm qua, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua các dự án như: 3 Chương trình MTQG (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025), chương trình khuyến nông, khuyến công… Nhờ vậy, đồng bào DTTS kịp thời được hỗ trợ phương tiện, phương thức để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS của tỉnh đã được cải thiện, mức sống từng bước được nâng lên, số hộ nghèo giảm, hộ khá, hộ giàu tăng; không còn ấp và xã khó khăn. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tiếp tục được nâng lên. Đến nay, 100% xã, ấp có hệ thống đài truyền thanh; 100% các hộ đồng bào DTTS đều có phương tiện nghe nhìn; phong trào văn hóa - văn nghệ trong Nhân dân phát triển thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức đã có tác động tốt trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện thường xuyên và mang lại kết quả thiết thực. Lễ, Tết truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức định kỳ, thường xuyên. Các cấp, các ngành của tỉnh cũng quan tâm đến thăm và chúc mừng đồng bào, qua đó đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác giáo dục - đào tạo cũng được chú trọng. Tỷ lệ con em đồng bào DTTS đến các cấp học ngày càng nhiều. Sinh viên người DTTS theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề ngày càng tăng đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên cao.
Công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm trong vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Các địa phương được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện, 170/170 xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, trong đó có một số trạm y tế xã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực.
PV: Sự phát triển của vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đóng góp rất quan trọng của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong 5 năm qua, vai trò của lực lượng đặc biệt này đã được phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khang: Hiện nay, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh có 206 người. Trong những năm qua, Người có uy tín đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong các lĩnh vực như: nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; gương mẫu luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân.
Người có uy tín luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh…
PV: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 của tỉnh có những điểm nhấn gì?
Ông Nguyễn Văn Khang: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024 được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về việc tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024.
Đại hội có sự tham dự đa dạng về thành phần, đặc biệt là sự tham dự của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nghệ nhân là đồng bào DTTS, đại diện cho trên 50 thành phần DTTS trong tỉnh. Đây là những đại biểu tiêu biểu nhất của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trước khi diễn ra khai mạc Đại hội, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ V năm 2024 (từ ngày 25 - 27/10), thu hút trên 900 vận động viên, nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 12 đơn vị tham gia. Các hoạt động của Ngày hội nhằm giáo dục thế hệ trẻ ý thức về cội nguồn, ý thức về cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc mình. Là động lực để chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng giàu mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 của tỉnh.
PV: Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Đồng Nai có định hướng gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khang: Tỉnh Đồng Nai xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Đến năm 2029, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào DTTS là 0,3% hộ nghèo DTTS/tổng số hộ DTTS (theo chuẩn nghèo của tỉnh), giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống, mức thu nhập giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả tỉnh. Trên 85% hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 100% hộ gia đình đồng bào DTTS sử dụng điện lưới quốc gia; phấn đấu 100% hộ đồng bào DTTS có nhà ở ổn định.
Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hằng năm thu hút 5 - 10% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Đồng thời, phấn đấu có 90% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; 100% số xã, ấp vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
PV: Xin cảm ơn ông!