Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên ngoài các vấn đề sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của kỳ họp cuối năm, Quốc hội còn xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 ...
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIII; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có những dự án hết sức quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước giai đoạn tới, như dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hay liên quan đến các quyền cơ bản của công dân như dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... Đồng thời, cho ý kiến về 4 dự án Luật gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Kỳ họp sẽ được tiến hành theo 2 đợt, trong đó, đợt 1 họp trực tuyến sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đợt 2, Quốc hội làm việc trong 12 ngày theo hình thức tập trung và sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế...