Phát biểu tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Hôm nay (ngày 4/5/2024), trong không khí phấn khởi, hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4 năm 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 Chương trình MTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Thảo luận tại Phiên họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định: Tình hình KT-XH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%). Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 8,5%. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa chính sách tài khóa. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; trong tháng 4 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 0,7% so với tháng 3). Trong 4 tháng, đã hỗ trợ cho người dân gần 18,5 nghìn tấn gạo.
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững;trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên.
Tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng nhấn mạnh lại các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thời gian tới theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 9 và Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa;tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình MTQG; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; có phương án sớm phân bổ 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Triển khai quyết liệt hơn nữa các Chương trình MTQG.
Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh BĐS, Nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung triển khai thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy chuyển đổi số tương tự như Đề án 06 của Bộ Công an…