Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra hôm nay (ngày 3/4) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 3 và quý I năm 2024; tình hình thực hiện 3 Chương trình MTQG; giải ngân vốn đầu tư công, cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Thảo luận tại Phiên họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định: Tình hình KT-XH tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là:
Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay (GDP quý I năm 2020 - 2023 tăng lần lượt là 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%). Trong đó cả 3 khu vực đều phát triển tốt (nông nghiệp tăng 2,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%).
Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ (Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập - xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn - xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,77%, dưới ngưỡng Quốc hội giao (4 - 4,5%) và thấp hơn cùng kỳ (4,18%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tình hình tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Công tác chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng… được tổ chức tốt (theo báo cáo từ các địa phương, tổng số tiền hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên trong quý I là gần 20 nghìn tỷ đồng và hơn 17,7 nghìn tấn gạo).
Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao (trong đó lưu ý tỷ giá đồng USD với đồng Việt Nam và chênh lệch về giá vàng trong nước và nước ngoài có xu hướng tăng); một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; Vốn đầu tư công chưa được phân bổ hết, vẫn còn nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm; trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tôi phạm lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đánh giá tại phiên họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để chắt lọc, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".
Thủ tướng yêu cầu, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào ngày 30/6 và hai dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/4 tới đây.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt các đảm bảo như: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ...; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu…; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen…).
Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.