Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 15/9, đã có 23.242.311 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.669.370 ca bệnh đang điều trị, có 18.566.986 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 102.384 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 115.726 ca nhiễm mới, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ (27.802 ca) và Ấn Độ (27.429 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.814 ca, sau đó là Nga (781 ca) và Brazil (709 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 73.181.450 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 15/9, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 189.411 ca nhiễm mới và 3.044 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 27.802; 27.429 và 22.329 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là Malaysia (463 ca); Iran (408 ca) và Ấn Độ (280 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 114.722 ca nhiễm và 1.839 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 57.044.528 ca nhiễm mới và 1.195.320 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Anh, Nga và Pháp là 3 nước có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 26.628; 17.837 và 10.327 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 781 ca, tiếp sau đó là Anh (185 ca) và Tây Ban Nha (155 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 50.729.397 ca, trong đó có 1.032.713 ca tử vong và 39.244.638 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 115.726 ca nhiễm và 1.814 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Cuba với 7.516 ca, Guatemala với 4.299 ca nhiễm mới; và Mexico với 222 ca, Cuba với 76 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 18.542 ca nhiễm và 922 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 37.284.021 ca và 1.142.521 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 13.406 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 3.017 ca và Colombia với 1.435 ca. Đồng thời, với 709 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 176 ca tử vong mới và Colombia với 26 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 15/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.142.147 ca, trong đó có 204.396 ca tử vong và 7.391.505 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.864.534 ca nhiễm và 85.302 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.699 ca nhiễm mới và 300 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 908.349 và 685.799 ca nhiễm bệnh cùng 13.683 và 24.244 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 190.625 ca nhiễm (tăng 2.212 ca) và 2.465 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 20 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.605 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 76.929 ca, trong đó 1.102 ca tử vong (tăng 4 ca).
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, thế giới vẫn liên tục đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Bộ trưởng Y tế Liên bang Bỉ Frank Vandenbroucke, ngày 14/9, cho biết không ủng hộ việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, do hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự cần thiết của việc này. Ông khẳng định: "Tôi đồng ý với kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet (số ra ngày 14/9). Việc thúc đẩy tiêm chủng ở các nước đang phát triển là cần thiết hơn. Đó là vấn đề của tình đoàn kết quốc tế"./.