Những bước đệm sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15
Sau hai năm triển khai Nghị quyết 45/2022/QH15, TP. Cần Thơ đã nhanh chóng và linh hoạt thích nghi với những thách thức, đổi mới để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho việc hiện thực hóa nghị quyết. Trong thời gian còn ngắn, với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, cùng cơ chế hỗ trợ của Trung ương, thành phố cũng đã nhanh chóng đạt được một số nhiệm vụ mang lại hiệu quả bước đầu.
Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, công tác quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội luôn được quan tâm thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, quan tâm, đảm bảo thông tin, nội dung được đăng tải mang tính chất tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện.
Qua triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết, đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của thành phố, nhất là tính liên kết trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố nói riêng và của cả vùng ĐBSCL nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mới đây, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, thành phố đã công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, TP. Cần Thơ là trung tâm tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á. TP. Cần Thơ cũng đã giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và danh mục kêu gọi đầu tư bao vào 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực về hạ tầng công nghiệp; thương mại; phát triển đô thị; hạ tầng cấp nước; y tế; giáo dục; văn hóa; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; hạ tầng xã hội khác…
Trong nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 TP. Cần Thơ chú trọng đến lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, chuyến đi mới đây của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường tháp tùng cùng Thủ tướng Chính phủ đến Nhật Bản đã mang theo nhiều kỳ vọng, mong muốn mời gọi đối tác Nhật Bản đầu tư, phát triển các dự án trung tâm thương mại; kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ nhà cung cấp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; góp phần khai thác các sản phẩm thế mạnh của TP. Cần Thơ.
Trên lĩnh vực công nghiệp, thành phố mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng; mời gọi đối tác Nhật Bản vào Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) với một số ngành công nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện; thiết bị y tế, dược phẩm; thực phẩm chức năng, gia vị.
Hiện tại trên địa bàn TP. Cần Thơ thuộc phạm vi quản lý của thành phố, chưa có dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) có vốn đầu tư của đối tác Nhật Bản đang triển khai. Vì thế, thành phố đang tích cực xúc tiến kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho 2 dự án, là Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ (quy mô 200 giường) và Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ.
Đồng thời, mong muốn tiếp nhận tình nguyện viên JICA lĩnh vực hợp tác, phát triển quốc tế để có thể kết nối hiệu quả mối quan hệ với các địa phương, đối tác Nhật Bản để hợp tác trên các lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho hay, TP. Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, là đối tác tin cậy và trọng điểm để thắt chặt quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Thành phố cam kết luôn đồng hành hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong suốt quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, tiếp cận thủ tục đầu tư cũng như trong suốt quá trình xây dựng, vận hành dự án. Sự phát triển của các nhà đầu tư sẽ tạo ra động lực để TP. Cần Thơ vươn mình phát triển, xứng tầm vị thế thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL.