Đoàn công tác Trung ương tham dự Hội thảo còn có chuyên viên Vụ Quốc hội, Địa phương và đoàn thể (thuộc Văn phòng Chính phủ); bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III; ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ DTTS; ông Lê Công Bình, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Đại biểu tại địa phương tham gia và đóng góp ý kiến thuộc các Sở Tư pháp, Công An; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc của 6 tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam bộ có đông đồng bào Khmer, gồm: An Giang, Trà vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và TP. Cần Thơ. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của các Người có uy tín dân tộc Khmer trong khu vực Tây Nam bộ.
Đại diện Vụ DTTS đã tóm tắt quá trình xây dựng dự thảo Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”. Theo đó, từ năm 1979, Chính phủ đã ủy nhiệm cho Tổng cục Thống kê ban hành “Danh mục các dân tộc Việt Nam” dựa trên cơ sở điều tra, nghiên cứu của Viện Dân tộc học và được sự thống nhất giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng UBDT.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tại các đã bộc lộ nhiều điểm cần chỉnh lý cho phù hợp tình hình thực tế.
Trước những vấn đề bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 giao cho UBDT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam” trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh xác định: Hội thảo hôm nay góp phần rất quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam” sớm hoàn thiện trình cấp thẩm quyền. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tham vấn của các đại biểu.
Phát biểu tại Hội thảo Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Với những vấn đề cần được làm rõ như sự gợi mở của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh, việc xác định lại tên gọi dân tộc có ý nghĩa rất lớn, thể hiện công dân có quyền xác định dân tộc của mình, góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa tên gọi dân tộc; xây dựng bình đẳng giữa các dân tộc, đáp ứng nguyện vọng, ý thức dân tộc, ổn định tư tưởng cho đồng bào các DTTS, góp phần xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo đảm sự phát triển, tiến bộ giữa các dân tộc trong sự bình đẳng và đoàn kết của các cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các đại biểu làm công tác dân tộc đã trình bày các tham luận và có những kiến nghị cụ thể. Song song đó, các đại biểu sở Tư Pháp, Công An và Người có uy tín cũng có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết và trách nhiệm để hoàn thiện Đề án.
Trên cơ sở tham luận, góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao sự tham gia đóng góp, thảo luận sôi nổi của các đại biểu, đặc biệt các ý kiến của các vị Người có uy tín rất sát với dự thảo của Đề án và rất có trách nhiệm. Tất cả các ý kiến, những đề xuất, tâm tư nguyện vọng của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo ghi chép thật đầy đủ. Và, đây sẽ là căn cứ quan trọng giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp từng địa phương, để sớm trình Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ.