Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước; nhiều chị đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.
Theo đó, 19 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới" của các tỉnh/thành trong khu vực có nhiều điểm sáng tích cực. Đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể như TP. Hồ Chí Minh cao nhất cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy huyện, cấp cơ sở và tiếp tục dẫn đầu khu vực về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp. Bình Phước cao thứ 2 cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của các tỉnh/thành trong khu vực vẫn còn những gam màu kém sắc hơn và những vấn đề thực tiễn rất đáng quan tâm.
Cụ thể, nếu như ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ, phụ nữ, trẻ em đang phải đối mặt với những tác động xấu, là hệ lụy từ tốc độ đô thị hóa nhanh, nhập cư nhiều, dân số đông, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch mức sống lớn, ô nhiễm môi trường, việc thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội cơ bản như chỗ ở, giao thông đi lại, cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn, thì ở các tỉnh Tây Nam bộ, tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn so với nam giới, ít được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập không ổn định, tỷ lệ trẻ em bỏ học sớm cao, tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao, chủ yếu vì mục đích kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, các tỉnh miền Nam tiếp tục phải đối mặt với sự suy kiệt về nguồn nước, nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra thường xuyên... ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của phụ nữ và người dân.
Về công tác cán bộ nữ, 9/19 tỉnh/thành chưa đạt chỉ tiêu 15% nữ ủy viên cấp tỉnh; một số tỉnh/thành phố có phần lớn số xã không có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của khu vực mới đạt 28,22%, thấp hơn so với toàn quốc và 2 khu vực còn lại và chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 30%.
Bên cạnh đó, vẫn còn có tỉnh chưa có nữ đại biểu Quốc hội; nhiều tỉnh/thành chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND các cấp. Còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.